Metoprolol là thuốc chẹn beta giao cảm được dùng rộng rãi trong điều trị nhịp tim nhanh, đau thắt ngực, tăng huyết áp. Hầu hết người bệnh tim mạch đều có thể sử dụng thuốc Metoprolol. Nhưng để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tối đa, người bệnh cần nắm rõ cách dùng và các lưu ý trong quá trình sử dụng.

Betaloc Zok - một loại thuốc chứa Metoprolol thường được sử dụng

Betaloc Zok - một loại thuốc chứa Metoprolol thường được sử dụng

Thông tin chung về Metoprolol

Dưới đây là một số thông tin tổng quát về thuốc Metoprolol mà bạn nên biết trước khi sử dụng: 

Metoprolol là thuốc gì?

  • Tên hoạt chất: Metoprolol 

  • Mã thuốc: Thuốc điều trị tăng huyết áp - ức chế chọn lọc thụ thể Beta -1 - Adrenergic 

cong-thuc-phan-tu-cua-metoprolol.jpg

Công thức phân tử của Metoprolol

Metoprolol có những loại nào?

Metoprolol có 5 hàm lượng

  • Metoprolol 12.5mg

  • Metoprolol 25mg

  • Metoprolol 47.5mg

  • Metoprolol 50mg (dạng giải phóng thường)

  • Metoprolol 200mg XL (dạng giải phóng kéo dài).

  • Ống tiêm (metoprolol tartrat) 5mg/5ml.

Tuy nhiên tại Việt Nam, người bệnh thường chỉ sử dụng thuốc này dưới tên biệt dược Betaloc 50mg và Betaloc ZOK 25, 50mg.

betaloc-zok.jpg

Betaloc Zok là biệt dược thường dùng nhất của thuốc Metoprolol 50mg

Tác dụng của Metoprolol

Metoprolol là thuốc chẹn beta1 - adrenergic. Giống như các thuốc chẹn beta khác, metoprolol hoạt động bằng cách thay đổi cách cơ thể phản ứng với một số xung thần kinh, đặc biệt là ở tim. Nhờ đó, thuốc gây giãn mạch, làm chậm nhịp tim của bạn và giúp tim bơm máu đi khắp cơ thể dễ dàng hơn. Ngoài ra thuốc cũng giúp hạ huyết áp và giảm cơn đau thắt ngực.

tac-dung-cua-metoprolol.jpg

Tác dụng của Metoprolol khi vào cơ thể

Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Metoprolol

Thông thường bác sĩ sẽ cân nhắc các chỉ định và chống chỉ định trước khi kê đơn thuốc Metoprolol trị tim đập nhanh, giảm đau thắt ngực và chống tăng huyết áp cho bạn. Tuy nhiên, bạn cũng cần tìm hiểu một số thông tin về chỉ định và chống chỉ định để biết cách sử dụng sao cho đúng: 

Đối tượng nào có thể dùng Metoprolol (chỉ định)

Thuốc Metoprolol được chỉ định trong những trường hợp sau: 

  • Bệnh nhân tăng huyết áp 

  • Người bị đau thắt ngực ổn định, mạn tính hoặc mắc hội chứng vành cấp với ST không chênh lên 

  • Đề phòng tử vong do tim mạch, ổn định về huyết động ở các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp.

  • Bệnh nhân suy tim mạn tính độ 2 hoặc độ 3 

  • Điều trị rối loạn nhịp tim 

  • Phòng ngừa bệnh đau nửa đầu 

Ngoài cao huyết áp, những người bị loạn nhịp tim cũng hay được kê đơn Metoprolol

Ngoài cao huyết áp, những người bị loạn nhịp tim cũng hay được kê đơn Metoprolol

Đối tượng nào không được dùng Metoprolol (chống chỉ định)

Dưới đây là những trường hợp chống chỉ định của thuốc Metoprolol

  • Bệnh nhân bị chậm nhịp xoang (nhịp tim < 50 lần/phút) 

  • Bệnh nhân bị block nhĩ thất độ 2 hoặc độ 3

  • Bệnh nhân suy tim không ổn định, suy tim mất bù cấp tính hoặc sốc tim 

  • Bệnh nhân đau thắt ngực Prinzmetal 

  • Bệnh nhân mắc hội chứng nút xoang (trừ trường hợp đã đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn) 

  • Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, blốc nhĩ thất độ 1 rõ (có khoảng PR lớn hơn 0.24 giây, huyết áp tối đa dưới 100mmHg, suy tim từ mức độ vừa đến nặng); blốc nhĩ thất độ 2, độ 3; hoặc nhồi máu cơ tim cấp có nhịp tim dưới 45 lần/phút

  • Người bệnh đang tiêm tĩnh mạch thuốc ức chế Canxi Verapamil, Diltiazem hoặc thuốc điều trị rối loạn nhịp tim khác (ví dụ như Disopyramide), trừ trường hợp sử dụng khi chăm sóc đặc biệt. 

  • Người mắc bệnh động mạch ngoại vi nặng 

  • Bệnh nhân nhiễm toan chuyển hóa 

  • Bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc bị hen phế quản nặng. 

  • Bệnh nhân huyết áp thấp 

  • Người dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc hoặc các loại thuốc ức chế kênh Beta khác. 

chong-chi-dinh-metoprolo.jpg

Chống chỉ định với người mắc các chứng bệnh trên

Các loại thuốc chứa Metoprolol giá bao nhiêu?

Dưới đây là bảng giá tham khảo một số loại thuốc chứa Metoprolol:

Tên thuốc  Loại thuốc  Định lượng Metoprolol  Mức giá tham khảo 
Metoprolol  Viên nén  12.5mg Liên hệ
Betaloc Zok Viên nén  25mg  5.600 VNĐ/1 viên
Metoprolol  Viên nén  47.5mg Liên hệ
Betaloc Betaloc Zok Viên nén  50mg  3.000 VNĐ/1 viên 6.900 VNĐ/1 viên
Metoprolol  Viên nén giải phóng chậm  200mg  Liên hệ

Cách dùng thuốc Metoprolol hiệu quả cao và an toàn

Để thuốc Metoprolol phát huy hiệu quả tối đa và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, bạn cần chú ý một số điều sau đây: 

Liều dùng thuốc Metoprolol

Đối với người lớn

Điều trị tăng huyết áp: 

  • Liều khởi đầu: 50-100mg/ngày, chia thành nhiều liều nhỏ và uống cùng bữa hoặc sau khi ăn 

  • Có thể tăng liều sau hơn 1 tuần cho đến khi đạt được hiệu quả giảm huyết áp tối đa 

  • Liều hiệu quả: 50-300mg/ngày 

  • Với viên nén giải phóng chậm: 50-100mg/ngày, uống 1 lần, không nhai. 

Điều trị đau thắt ngực: 

  • Liều khởi đầu: 50-100mg/ngày, chia làm 2 lần hoặc uống 1 lần/viên đối với viên nén giải phóng chậm. 

  • Có thể tăng liều sau 1 tuần sử dụng cho đến khi đạt được hiệu quả trên lâm sàng hoặc có nhịp tim chậm đi rõ rệt. 

  • Liều hiệu quả: 50-400mg/ngày 

lieu-dung-metoprolol-.jpg

Sử dụng liều lượng thuốc phù hợp với từng loại bệnh

Điều trị nhồi máu cơ tim giai đoạn sớm:

  • Nếu bệnh nhân không có các dấu hiệu bất ổn về huyết động hay chậm nhịp tim thì tiến hành tiêm tĩnh mạch càng sớm càng tốt, sau đó mới chuyển qua đường uống. 

  • Liều lượng tiêm tĩnh mạch: 5mg/lần x 3 lần, thời gian mỗi lần cách nhau 2 phút. 

  • Trong trường hợp dung nạp với liều IV, tiến hành uống 50mg trong 15 phút sau liều IV cuối cùng. Lặp lại như vậy sau mỗi 6 tiếng trong vòng 2 ngày. Tiếp theo, dùng liều duy trì 50mg/lần x 2 lần/ngày. 

  • Trong trường hợp không dung nạp với liều IV, tiến hành uống 25mg hoặc 50mg trong mỗi 6 giờ, và bắt đầu từ 15 phút sau liều IV cuối cùng, tùy thuộc vào mức độ không dung nạp thuốc hoặc ngay khi tình trạng của người bệnh ổn định. Nếu bệnh nhân có tình trạng không dung nạp thuốc nghiêm trọng, phải ngừng điều trị với Metoprolol. 

Điều trị nhồi máu cơ tim giai đoạn muộn: 

  • Liều khởi đầu 100mg x 2 lần/ngày, ngay khi tình trạng của bệnh nhân cho phép 

  • Điều trị liên tục như vậy trong vòng 3 tháng 

nhoi-mau-co-tim-su-dung-metoprolol.jpg

Thuốc metoprolol cũng được sử dụng trong điều trị nhồi máu cơ tim

Điều trị bệnh nhân suy tim: 

  • Liều khởi đầu 25mg x 1 lần/ngày (với viên nén giải phóng chậm) ở bệnh nhân bị suy tim độ 2 

  • Với những bệnh nhân suy tim nặng hơn, liều khởi đầu sử dụng là 12.5mg x 1 lần/ngày (với viên nén giải phóng chậm). Sau mỗi 2 tuần tăng liều lên gấp đôi cho đến 200mg/ngày hoặc đạt được liều dung nạp tối đa. 

Dự phòng bệnh đau nửa đầu: 

  • 100-200mg/ngày chia làm nhiều liều nhỏ. 

Đối với trẻ em

Điều trị bệnh tăng huyết áp: 

  • Trẻ em từ 1 tháng đến 12 tuổi: Liều sử dụng metoprolol tartrat 1 mg/kg x 2 lần/ngày. Có thể tăng liều đến 6mg/kg/ngày nếu cần thiết. Liều tối đa 200mg/ngày chia ra từ 2-4 lần. 

  • Trẻ em hơn 6 tuổi: Liều khởi đầu metoprolol succinate giải phóng chậm là 1mg/kg/ngày, liều tối đa 50mg. Tùy theo chỉ số huyết áp mà có sự điều chỉnh sao cho thích hợp. 

  • Trẻ em hơn 12 tuổi sử dụng thuốc với liều lượng như của người lớn. 

  • Nếu chưa xác định được hiệu quả hay tính an toàn khi dùng viên giải phóng chậm thì uống liều >2mg/kg/ngày hoặc >200mg/1 lần/ngày. 

su-dung-metoprolol cho tre-em.jpg

Metoprolol có thể sử dụng cho trẻ em nhưng cần dùng đúng liều

Với các đối tượng khác

  • Người cao tuổi: Điều trị thận trọng, liều khởi đầu thấp 

  • Bệnh nhân suy thận: Không cần điều chỉnh liều lượng 

  • Bệnh nhân suy gan: Cân nhắc giảm liều, đặc biệt là ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan nghiêm trọng. 

Thời điểm dùng thuốc Metoprolol

Thuốc Metoprolol nên dùng vào trong hoặc ngay sau bữa ăn vì thuốc dễ gây buồn nôn. Đặc biệt, bạn nên uống vào cùng một thời điểm giữa các ngày để dễ nhớ việc uống thuốc, tránh quên liều.

Cách sử dụng thuốc Metoprolol

Với viên giải phóng kéo dài (có ký hiệu XL hoặc Zok trong tên thuốc), bạn cần uống cả viên với nhiều nước, không nghiền nát, bẻ hoặc mở viên. Với viên thông thường có nhiều mức liều như Metoprolol 12.5mg, Metoprolol 25mg, Metoprolol 47.5mg, Metoprolol 50mg và 200mg, bạn nên uống đủ số viên và loại viên theo bác sĩ dặn dò. 

Khi lỡ quên một liều, nếu là thời điểm chưa đến 12 tiếng thì uống bù liều đó, còn đã quá 12 tiếng, bạn nên bỏ qua luôn và uống liều tiếp theo như đúng lịch.

Uống thuốc Metoprolol vào cùng thời điểm trong ngày giúp tránh quên liều

Uống thuốc Metoprolol vào cùng thời điểm trong ngày giúp tránh quên liều

Nhịp tim nhanh là tình trạng mãn tính và có thể cần uống Metoprolol lâu dài kể cả khi triệu chứng đã không còn. Vì vậy, bạn không nên tự ý tăng/giảm liều khi chưa có chỉ định của bác sĩ. 

Đặc biệt, không bao giờ tự ngưng Metoprolol hoặc các biệt dược của thuốc như Betaloc đột ngột. Bởi nếu ngưng thuốc đột ngột, bạn rất dễ bị “phản ứng ngược” khiến tình trạng loạn nhịp tim nghiêm trọng hơn, tăng nặng cơn đau thắt ngực, tăng huyết áp, thậm chí là lên cơn nhồi máu cơ tim và tử vong.

Các tác dụng phụ cần lưu ý khi sử dụng Metoprolol

Khi dùng Metoprolol, bạn có khả năng gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn sau đây:

  • Tác dụng phụ thường gặp: Mệt mỏi, chóng mặt, thở nông, nhịp tim chậm, huyết áp giảm, giảm tuần hoàn ngoại biên, chi lạnh, trầm cảm. Ngứa, xuất hiện phát ban, dị ứng, quá mẫn, khô miệng, ợ nóng, tiêu chảy, đau bụng, táo bón, khó thở, thở khò khè. 

  • Tác dụng phụ ít gặp: Hiện tượng raynaud, bệnh Peyronie, suy tim, táo bón, buồn nôn, tăng cân, mất ngủ hoặc hay buồn ngủ, xuất hiện phù nề, giảm ham muốn, tiểu đường nặng thêm. 

  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Ác mộng, ảo giác, trầm cảm, hiện tượng tăng tiết mồ hôi, viêm mũi, khô miệng, rối loạn vị giác, ù tai, tóc rụng, viêm gan. 

Chóng mặt, mệt mỏi là dấu hiệu cảnh báo bạn gặp phải tác dụng phụ của Metoprolol

Chóng mặt, mệt mỏi là dấu hiệu cảnh báo bạn gặp phải tác dụng phụ của Metoprolol

Các tương tác của Metoprolol

Một số thông tin về sự tương tác của Metoprolol dưới đây cũng sẽ giúp bạn biết cách sử dụng và phối hợp thuốc sao cho hiệu quả: 

Dược lực học của Metoprolol (cơ chế tác động)

Cơ chế tác động của thuốc Metoprolol là ức chế có chọn lọc với thụ thể Beta 1 adrenergic ở cơ tim. Tuy nhiên, nếu sử dụng với liều quá cao thì thuốc cũng có thể ức chế cả thụ thể Beta 2 adrenergic ở mạch máu và các cơ phế quản. Metoprolol không hoặc rất ít tác dụng ổn định màng ở tim, và hầu như không có hoạt tính nội tại. 

Đối với bệnh nhân tăng huyết áp, Metoprolol làm giảm huyết áp thông qua cơ chế giảm cung lượng tim, giảm thần kinh giao cảm, giảm sức cản ngoại vi và ức chế giải phóng renin. 

Đối với bệnh nhân đau thắt ngực, Metoprolol hạn chế tăng nhịp tim, vận tốc và mức độ co bóp của cơ tim. Qua đó, giảm huyết áp do catecholamin tăng gây ra, dẫn đến cơ tim giảm tiêu thụ oxy. 

Đối với bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, thuốc tác động làm giảm nhịp tim, giảm huyết áp tối đa, giảm cung lượng tim và giảm rung thất. 

Dược động học Metoprolol (Phản ứng của cơ thể với thuốc)

  • Hấp thu

Metoprolol gần như hấp thụ hoàn toàn, tuy nhiên tính sinh khả dụng lại thấp (chỉ khoảng 50%) do có sự chuyển hóa ban đầu. Nồng độ đỉnh đạt được sau khoảng 90 phút đối với viên nén thường và sau 7 giờ đối với viên nén giải phóng chậm 

bieu-do-nong-do-huyet-tuong.jpg

Biểu đồ mô tả nồng độ huyết tương theo thời gian

  • Phân bố

Metoprolol phân bố rộng rãi ở nhiều mô trong cơ thể, đặc biệt là tim, gan, phổi và nước bọt. Thuốc qua được hàng rào máu não, gắn với protein huyết tương từ 11-12%. Thuốc cũng qua được hàng rào nhau thai và hiện diện trong sữa mẹ với nồng độ gấp 3-4 lần trong máu. 

  • Chuyển hóa 

Thuốc chuyển hóa mạnh ở gan bởi hệ thống CYP2D6, trở thành chất chuyển hóa không có hoạt tính. 

  • Thải trừ

Thời gian bán hủy của thuốc từ 3-4 giờ. Khoảng 95% thuốc sau 72 giờ sẽ được thải trừ qua thận. Khoảng 5% đối với liều uống và 10% đối với liều tiêm tĩnh mạch không thay đổi dạng và thải ra qua nước tiểu. 

Tương tác giữa Metoprolol với thuốc khác

Metoprolol có khả năng tương tác với các loại thuốc chứa thành phần sau:

  • Muối nhôm, cholestyramin và colestipol làm giảm hấp thu thuốc

  • Phenytoin, rifampin, phenobarbital, thuốc lá làm giảm nồng độ liên kết với huyết tương của thuốc

  • Thuốc ức chế beta và các loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác có tác dụng hiệp đồng, làm tăng tác dụng hạ huyết áp 

  • Thuốc ức chế beta và các loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác có tác dụng hiệp đồng lên hệ thống dẫn truyền ở tim 

  • Cimetidin và hydralazin làm tăng tính sinh khả dụng của Metoprolol 

  • Các loại thuốc ức chế hệ thống CYP2D6 ở gan làm tăng nồng độ thuốc trong huyết tương (có thể kể đến như bupropion, diphenhydramin, hydroxychloroquine, hydroxychloroquine, propafenone, ritonavir, thioridazin, cimetidin, fluoxetin, paroxetine, quinidin, terbinafine) 

  • Các loại thuốc glycosid trợ tim, phenothiazin, insulin, lidocaine, amiodarone, rituximab có thể tăng tác dụng khi dùng cùng Metoprolol

  • Indomethacin và các dẫn xuất NSAID khác có tác dụng đối lập với tác dụng chống tăng huyết áp của thuốc ức chế beta. 

  • Methylphenidate, các dẫn xuất rifamycin, yohimbine làm giảm tác dụng của thuốc Metoprolol. 

tuong-tac-cua-metoprolol.jpg

Sự tương tác của Metoprolol với các dòng thuốc khác

Tương tác giữa Metoprolol với thực phẩm

Uống rượu đồng thời với Metoprolol làm tăng nồng độ cồn trong máu, giảm sự thải trừ nên nồng độ thuốc giảm chậm hơn. 

Cần lưu ý điều gì khi sử dụng Metoprolol?

Các lưu ý chung 

  • Cần thận trọng trong trường hợp mắc kèm COPD hoặc hen phế quản, suy tim sung huyết, đang sử dụng đồng thời với các loại thuốc mê hô hấp, Verapamil, Digitalis hoặc thuốc chống loạn nhịp tim nhóm I, đặc biệt là nhóm IA và IC. Bởi thuốc ức chế beta làm giảm co cơ tim, làm chậm dẫn truyền nhĩ thất.

  • Ở bệnh nhân không suy tim, một số trường hợp khi điều trị liên tục với thuốc chẹn beta sẽ làm ức chế cơ tim, dẫn đến suy tim sau 1 thời gian dài. Khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của suy tim, cần sử dụng Digitalis hoặc một số thuốc lợi tiểu. Theo dõi sát sao người bệnh, nếu không đỡ phải ngừng Metoprolol. 

  • Thận trọng khi sử dụng ở các bệnh nhân đái tháo đường, vì thuốc có thể che lấp các dấu hiệu hạ đường huyết như nhịp tim nhanh. Các dấu hiệu khác như chóng mặt hay vã mồ hôi thường ít bị ảnh hưởng. 

  • Thuốc ức chế Beta có thể làm giảm đi một số dấu hiệu lâm sàng của cường giáp như nhịp tim nhanh. Không ngừng thuốc bất ngờ vì có thể làm nặng thêm cơn nhiễm độc giáp. 

  • Đối với người đang có tổn thương gan, rối loạn hoạt động nút xoang, khuyết tật dẫn truyền AV, vừa trải qua cuộc phẫu thuật lớn liên quan đến gây mê toàn thân cũng cần phải dùng Metoprolol thận trọng. 

Lưu ý đối với phụ nữ đang mang thai 

Metoprolol có thể đi qua hàng rào nhau thai, từ đó làm tăng nguy cơ chậm nhịp tim ở cả thai nhi và trẻ sơ sinh. Metoprolol chỉ nên sử dụng ở phụ nữ có thai trong trường hợp thật sự cần thiết vì chưa được nghiên cứu đầy đủ và kiểm tra kỹ càng. 

phu-nu-mang-thai-nen-doc-ky-thanh-phan-metoprolol.jpg

Phụ nữ mang thai nên đọc kỹ hướng dẫn thành phần

Lưu ý đối với phụ nữ đang cho con bú 

Metoprolol hiện diện trong sữa với nồng độ rất nhỏ. Trẻ sơ sinh khi bú một lít sữa mẹ chỉ nhận được liều Metoprolol < 1 mg. Thận trọng khi sử dụng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú. 

Lưu ý khi lái xe, làm việc với máy móc 

Metoprolol gây ra một số tác dụng phụ như chóng mặt, mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng lái xe và làm việc với máy móc. Tác dụng phụ này tăng lên khi sử dụng đồng thời với rượu hoặc sau khi điều trị bằng một loại thuốc khác. 

Xử lý các trường hợp thường gặp khi dùng Metoprolol?

Làm gì nếu uống Metoprolol gặp tác dụng phụ?

Ngoài việc báo cho bác sĩ, bạn có thể áp dụng thêm 1 số giải pháp dưới đây để giảm bớt sự khó chịu:

  • Nghỉ ngơi và uống nhiều nước nếu bị đau đầu. Ngoài ra, bạn cũng có thể ra hiệu thuốc mua 1 số thuốc giảm đau. Tuy nhiên hãy nói cho dược sĩ biết bạn đang dùng Metoprolol (Betaloc) để họ tìm loại thuốc giảm đau phù hợp.

  • Dừng việc bạn đang làm và ngồi hoặc nằm xuống khi bị chóng mặt choáng váng. Việc cho hạn chế rượu bia cũng giúp cho tình trạng chóng mặt ít xuất hiện hơn.

  • Đặt bàn tay hoặc bàn chân của bạn dưới vòi nước ấm, xoa bóp và lắc ngón tay và ngón chân của bạn. Không hút thuốc hoặc uống đồ uống có caffein.

  • Đi găng tay và không đeo vòng hay đồng hồ quá chặt để giảm tình trạng lạnh chân tay khi dùng Metoprolol.

  • Chia nhỏ bữa ăn, hạn chế thức ăn quá nhiều gia vị hay uống Metoprolol sau khi ăn xong có thể giúp giảm cảm giác buồn nôn hay đau dạ dày khi dùng thuốc.

tac-dung-phu-cua-metoprolol.jpg

Phân bổ nhiều thời gian nghỉ ngơi khi gặp tác dụng phụ

Quên liều Metoprolol phải làm sao?

Nếu quên uống 1 liều Metoprolol, hãy sử dụng bổ sung càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu đã đến thời gian để uống liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo đúng với kế hoạch. Tuyệt đối không dùng gấp đôi so với liều được chỉ định. 

Dùng quá liều Metoprolol cần làm gì?

Trong trường hợp sử dụng quá liều, liên hệ ngay với Cấp cứu 115 hoặc đến ngay trạm Y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. 

Một số dấu hiệu nhận biết quá liều thuốc Metoprolol là: 

  • Khó thở hoặc khó nuốt 

  • Chóng mặt, đau đầu 

  • Ngất xỉu

  • Xuất hiện sưng đỏ ở bàn tay, bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân. 

su-dung-metoprolol-qua-nhieu-co-the-gay-ngat-xiu.jpg

Sử dụng quá liều có thể gây đau đầu và ngất xỉu

Có nên uống bia, rượu khi đang dùng Metoprolol không?

Tốt nhất bạn nên hạn chế uống rượu bia khi dùng thuốc. Rượu bia có thể ảnh hưởng đến gan - cơ quan phụ trách việc chuyển hóa thuốc Metoprolol. Bên cạnh đó, đồ uống này cũng khiến nhịp tim rối loạn nặng hơn, huyết áp mất ổn định và tăng tần suất cơn đau thắt ngực.

Có nên dùng Metoprolol cho phụ nữ có thai/ cho con bú?

Trước khi dùng Metoprolol cho phụ nữ có thai và cho con bú, hãy hỏi ý kiến bác sĩ cẩn thận để đề phòng các nguy cơ. Hiện nay vẫn chưa có các nghiên cứu đầy đủ hay thử nghiệm kĩ càng về các rủi ro khi sử dụng thuốc ở phụ nữ có thai/ cho con bú. 

Bảo quản Metoprolol thế nào?

Thuốc Metoprolol nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh những nơi ẩm mốc, tránh ánh sáng trực tiếp, không được để thuốc trong phòng tắm hay trong ngăn đá. Ngoài ra bạn cần giữ thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và vật nuôi. 

Trên đây là một số thông tin về thuốc Metoprolol - một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị bệnh tăng huyết áp. Trước khi sử dụng thuốc, đừng quên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo thêm ý kiến của các bác sĩ, tuân thủ đúng chỉ định để tránh các rủi ro có thể xảy đến. 

Bài viết liên quan:

Nguồn tham khảo: drugs.com, medlineplus, medicalnewstoday