Thuốc Concor là tên thương mại của thuốc Bisoprolol fumarate được sử dụng khá rộng rãi trong điều trị các bệnh tim mạch. Nhưng khi sử dụng, bạn có thể gặp phải những tình huống khiến cho hiệu quả thuốc giảm đi và nguy cơ tác dụng phụ tăng lên. Nếu bạn được kê đơn thuốc tim Concor thì nên cập nhật thông tin trong bài viết này để dùng thuốc hiệu quả hơn.

Thuốc Concor 2.5mg thường được dùng để chữa nhịp tim nhanh, tăng huyết áp

Thuốc Concor 2.5mg thường được dùng để chữa nhịp tim nhanh, tăng huyết áp

Thông tin chung về thuốc Concor 

Concor là thuốc gì?

Concor là thuốc điều trị nhịp tim nhanh, cao huyết áp, bệnh mạch vành và suy tim mạn tính ổn định. Thành phần hoạt chất và phân nhóm thuốc như sau:

  • Tên thuốc: Concor 

  • Tên hoạt chất: Bisoprolol Fumarate 

  • Phân loại thuốc: Thuốc ức chế trên thụ thể Beta 

cau-truc-phan-tu-hoat-chat-chinh-cua-concor.jpg

Cấu trúc phân tử hoạt chất chính của Concor

Concor có những loại nào?

Hiện nay, tại Việt Nam 2 loại thuốc Concor thường được sử dụng là Concor 5mgConcor 2.5mg. Còn dạng viên nén Concor 10mg thì ít được sử dụng hơn vì hàm lượng thuốc quá lớn, không thông dụng. 

  • Dạng thuốc Concor 5mg được sử dụng trong trường hợp nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, suy tim và đau thắt ngực 

  • Dang thuốc Concor 2.5mg có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với một số thuốc khác để điều trị tăng huyết áp nhẹ. 

Tác dụng của Concor 

Concor 2.5mgConcor 5mg với thành phần chính là Bisoprolol có tác dụng hạ huyết áp, giãn mạch máu và làm chậm nhịp tim. Đồng thời thuốc cũng có tác dụng:

  • Giúp tim bơm máu dễ dàng hơn, phòng suy tim mạn tính tiến triển.

  • Giảm gánh nặng cho tim, giảm nhu cầu tiêu thụ oxy của cơ tim, từ đó ngăn ngừa đau thắt ngực.

Trường hợp chỉ định và chống chỉ định với Concor

Đối tượng nào có thể dùng Concor (chỉ định)

  • Bệnh nhân tăng huyết áp 

  • Bệnh nhân đau thắt ngực, bị bệnh mạch vàng 

  • Bệnh nhân suy tim mãn tính ổn định, kết hợp suy giảm chức năng tâm thu thất trái, kết hợp với các loại thuốc ức chế men chuyển, thuốc lợi tiểu và các glycosid tim.  

Đối tượng nào KHÔNG được dùng Concor (chống chỉ định)

Thuốc Concor được chống chỉ định với các trường hợp sau đây: 

  • Bệnh nhân block xoang nhĩ 

  • Bệnh nhân nhiễm toan chuyển hóa 

  • Bệnh nhân mắc hội chứng Raynaud 

  • Bệnh nhân mắc hội chứng suy nút xoang 

  • Bệnh nhân bị sốc do chức năng tim rối loạn 

  • Bệnh nhân có nhịp tim chậm, xuất hiện các triệu chứng thực thể 

  • Bệnh nhân huyết áp thấp đã xuất hiện triệu chứng thực thể 

  • Bệnh nhân chưa điều trị u tuyến thượng thận (U tế bào ưa crom) 

  • Bệnh nhân mẫn cảm với Bisoprolol hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc 

  • Bệnh nhân bị tắc nghẽn phổi mãn tính COPD hoặc hen phế quản nặng 

  • Bệnh nhân suy tim cấp, suy tim mất bù đang điều trị bằng tiêm truyền tĩnh mạch với các thuốc co cơ tim 

  • Bệnh nhân bị rối loạn dẫn truyền nhĩ thất nặng (block nhĩ thất độ 2 hoặc độ 3) và chưa gắn máy tạo nhịp. 

chi-dinh-va-chong-chi-dinh-cua-concor.jpg

Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Concor 

Các loại thuốc chứa Concor giá bao nhiêu?

Giá thuốc Concor là từ 130.000 - 135.000đ/ 30 viên tùy theo hàm lượng 2,5 hay 5mg cụ thể như sau:

Tên thuốc  Dạng thuốc Định lượng Bisoprolol  Mức giá tham khảo 
Concor 2.5mg Viên nén 2.5mg 130.000 đ/hộp 30 viên
Concor 5mg Viên nén 5mg 135.000 đ/hộp 30 viên
Concor 10mg Viên nén 10mg Ít sử dụng tại Việt Nam

Cách dùng thuốc Concor hiệu quả cao và an toàn

Liều dùng thuốc Concor 

Điều trị bệnh tăng huyết áp và bệnh mạch vành: 

  • Liều dùng thuốc Concor sẽ được điều chỉnh để phù hợp với tình trạng sức khỏe từng người, dựa trên các kết quả xét nghiệm và nhịp tim. 

  • Liều khởi đầu của thuốc là 5mg Bisoprolol (bằng 1 viên Concor 5mg), uống 1 lần/ngày.

  • Với bệnh nhân tăng huyết áp nhẹ (huyết áp tối thiểu đạt 105mmHg), có thể điều trị với liều 2.5mg/ngày

Điều trị suy tim mãn tính thể ổn định:

Cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tùy từng người mà liều dùng sẽ có sự thay đổi sao cho phù hợp. Với người suy tim mạn tính, liều lượng thuốc sẽ tăng lên mỗi tuần. Dưới đây là phác đồ điều trị suy tim mãn tính thể ổn định bạn nên tham khảo: 

Thời gian  Định lượng Bisoprolol cần uống  Số viên thuốc Concor 2.5mg cần uống  Số lần/ngày  Lưu ý 
Tuần 1  1,25 mg 1/2 viên 1 lần/ngày Nếu dung nạp tốt, bác sĩ sẽ chỉ định tăng liều
Tuần 2  2,5 mg 1 viên 1 lần/ngày
Tuần 3  3,75 mg 1.5 viên 1 lần/ngày
Tuần 4 đến tuần 7  5 mg 2 viên 1 lần/ngày
Tuần 8 đến tuần 11  7,5 mg 3 viên 1 lần/ngày
Từ tuần 12 trở đi  10 mg 4 viên 1 lần/ngày

 

Liều chỉ định tối đa với thuốc là 10mg Bisoprolol 1 lần trong ngày. Bệnh nhân nên được theo dõi và điều trị ở liều lượng này trừ trường trường hợp không được phép do các tác dụng phụ. 

Trong thời gian điều chỉnh liều, nếu suy tim trở nên nặng hơn, xuất hiện hạ huyết áp hay chậm nhịp tim thì cần phải báo ngay với bác sĩ để được điều trị và điều chỉnh lại lượng thuốc cho phù hợp. Có thể xem xét giảm liều Bisoprolol hoặc ngưng thuốc nếu cần thiết. 

Điều trị bằng Concor thường là điều trị lâu dài. Bạn không được tự ý ngưng thuốc đột ngột hay thay đổi liều mà phải thông qua chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những bệnh nhân suy tim hoặc thiếu máu cục bộ. Nếu cần cắt thuốc, phải giảm liều từ từ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. 

lieu-dieu-tri-voi-thuoc-concor-can-duoc-ca-the-hoa-theo-tung-benh.jpg

Liều điều trị với thuốc Concor cần được cá thể hóa theo từng bệnh

Thời điểm dùng thuốc Concor 

Thuốc Concor 2.5mg và Concor 5mg nên uống vào buổi sáng, trước hay sau khi ăn đều được, uống cả viên với nhiều nước. Nếu đang sử dụng thêm vitamin tổng hợp và các khoáng chất, bạn nên uống cách thời điểm dùng Concor ít nhất 2 giờ.

Cách sử dụng thuốc Concor 

Bạn nên uống thuốc liên tục đúng theo chỉ định của bác sĩ, không tự ngừng sử dụng. Việc ngừng dùng thuốc tim Concor phải làm từng bước dưới sự theo dõi của bác sĩ. Thông thường bác sĩ sẽ cho bạn giảm dần liều trước khi dừng hẳn và uống thay thế bằng loại thuốc khác. Việc ngừng Concor đột ngột có thể gây ra “phản ứng ngược” và dẫn đến rối loạn nhịp tim (nhịp nhanh kịch phát) hoặc đau thắt ngực nghiêm trọng.

Các tác dụng phụ cần lưu ý khi sử dụng Concor 

  • Tác dụng phụ thường gặp: Phổ biến nhất khi sử dụng Concor là chậm nhịp tim, đặc biệt là ở những bệnh nhân bị suy tim mãn. Ngoài ra còn có thể xuất hiện tăng nhịp tim, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, tiêu chảy hay táo báo. Cảm thấy lạnh ở các chi, hạ huyết áp, mệt mỏi, hen suyễn. 

  • Tác dụng phụ ít gặp: Rối loạn dẫn truyền nhĩ thất, chậm nhịp tim hoặc làm trầm trọng thêm bệnh suy tim ở các bệnh nhân tăng huyết áp và đau thắt ngực. Có thể thấy co thắt phế quản ở bệnh nhân hen phế quản hay có tiền sử tắc nghẽn, cơ yếu, vọp bẻ, trầm cảm và giấc ngủ bị rối loạn. 

  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Tăng triglyceride máu, men gan tăng, viêm gan và ngất, nước mắt giảm, thính giác bị rối loạn. Có thể xảy ra viêm mũi dị ứng, triệu chứng quá mẫn như ngứa, phát ban, rối loạn cương dương, ảo giác và ác mộng. 

  • Tác dụng phụ rất hiếm gặp: Rụng tóc, vảy nến, viêm kết mạc mắt. 

Bác sĩ sẽ giúp bạn giải quyết tác dụng phụ của thuốc Concor

Bác sĩ sẽ giúp bạn giải quyết tác dụng phụ của thuốc Concor

Các tương tác của Concor 

Dược lực học của Concor (cơ chế tác động)

Thuốc Concor có hoạt chất chính là Bisoprolol, là loại thuốc ức chế chọn lọc thụ thể Beta 1, không có hoạt tính ổn định màng trên tim hay các hoạt tính giao cảm nội tại. Thuốc ít tác dụng trên thụ thể Beta 2 của mạch máu và cơ trơn phế quản, đồng thời ít ảnh hưởng trên các chuyển hóa liên quan. 

Do vậy, Concor thường không ảnh hưởng nhiều đến đường thở hay các chuyển hóa trung gian của thụ thể Beta 2. Đặc tính chọn lọc thụ thể của thuốc gần như tuyệt đối, vẫn tồn tại dù liều lượng vượt quá liều điều trị thông thường. 

Dược động học Concor (Phản ứng của cơ thể với thuốc)

  • Hấp thu: Thuốc được hấp thu gần như hoàn toàn (90%), chỉ có một lượng nhỏ 10% qua chuyển hóa ban đầu nên tính sinh khả dụng rất cao, không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Động học của thuốc và nồng độ trong huyết tương tỷ lệ thuận trong khoảng liều từ 5 đến 20mg. Nồng độ đỉnh đạt được sau khoảng 2-3 giờ. 

  • Phân bố: Bisoprolol phân bố rộng rãi khắp các mô cơ thể. Thể tích phân bố là 3.5l/kg. Có khoảng 30% thuốc gắn với protein huyết tương. 

  • Chuyển hóa: Thuốc được chuyển hóa qua con được oxy hóa và không liên hợp. Tất cả các chất chuyển hóa đều được thải trừ qua thận. Thuốc được chuyển hóa chủ yếu qua hệ thống CYP3A4 95% và chỉ một phần nhỏ qua hệ thống CYP2D6

  • Thải trừ: 50% thuốc được bài tiết qua thận dưới dạng không đổi và 50% được chuyển hóa ở gan, sau đó cũng được đào thải qua thận. Độ thanh thải toàn phần của thuốc khoảng 15l/ giờ, thời gian bán hủy từ 10-12 tiếng. 

thuoc-concor-duoc-chuyen-hoa-chu-yeu-tai-gan.jpg

Thuốc Concor được chuyển hóa chủ yếu tại gan

Tương tác giữa Concor với thuốc khác

Dưới đây là một số loại thuốc có thể tương tác với Concor: 

  • Dẫn xuất Ergotamin, Rifampicin, quinidine, lidocaine, flecainide, disopyramide, phenytoin, propafenone

  • Verapamil, nifedipine, diltiazem 

  • Clonidine, moxonidine, rilmenidine, methyldopa

  • Amiodarone

  • Thuốc ức chế thụ thể beta tại chỗ 

  • Thuốc cường tác dụng phó giao cảm 

  • Insulin và các thuốc trị bệnh tiểu đường 

  • Thuốc gây mê và các glycosid tim 

  • Dẫn xuất NSAID

  • Isoprenaline, dobutamine, adrenaline, noradrenaline

  • Thuốc có tác dụng hạ huyết áp 

  • Các thuốc IMAO (trừ IMAO beta) 

  • Mefloquine 

Ngoài ra, một số loại vitamin tổng hợp và các khoáng chất có thể làm giảm tác dụng của Concor. Do đó, hãy sử dụng trước khi uống thuốc 2 giờ và tham khảo ý kiến bác sĩ về việc điều chỉnh liều lượng của thuốc. 

7.4 Tương tác giữa Concor với thực phẩm

Các chất kích thích như rượu, bia có thể làm tăng tác dụng không mong muốn của thuốc như đau đầu, buồn ngủ, choáng váng, ngất xỉu và thay đổi nhịp tim. Trong trường hợp bác sĩ hướng dẫn bạn giảm lượng muối trong bữa ăn, hãy tuân thủ nghiêm túc để kiểm soát huyết áp hiệu quả. 

Cần lưu ý điều gì khi sử dụng Concor?

Trước khi kê đơn thuốc Concor chắc chắn bác sĩ sẽ khai thác hết thông tin về lịch sử mắc bệnh, dị ứng. Nhưng bản thân bạn cũng nên thận trọng nếu như:

  • Có bệnh tiểu đường: cần theo dõi đường huyết thường xuyên hơn, vì Concor có thể làm mờ nhạt dấu hiệu tụt đường huyết

  • Bị cường giáp: nên xét nghiệm định kỳ, vì thuốc này cũng che dấu triệu chứng cường giáp

  • Đang sử dụng rượu: giảm bớt hoặc cai hoàn toàn, vì rượu làm tăng tác dụng của thuốc, dễ gây tụt huyết áp và chậm nhịp tim nghiêm trọng

  • Bị hen hoặc phổi tắc nghẽn mạn tính: ở một số bệnh nhân này, Concor có thể gây tăng sức cản đường thở, làm nặng cơn hen. Tuy nhiên, tăng thuốc giãn phế quản thông thường sẽ giúp ích cho bạn.

  • Mang thai hoặc có dự định mang thai: các thuốc chẹn beta làm giảm lượng máu qua nhau thai và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ trước khi kê đơn

  • Cho con bú: nếu mẹ dùng Concor, em bé phải được theo dõi chặt chẽ sau khi sinh, vì dễ gặp phải triệu chứng giảm đường huyết và tim đập chậm khoảng 3 ngày đầu đời. Cũng chưa có nghiên cứu nào khẳng định được Concor có bài tiết qua sữa mẹ và ảnh hưởng đến em bé hay không, nên thuốc không được khuyên dùng.

Ngoài ra, nếu đang sử dụng các thuốc dưới đây, bạn cũng cần thận trọng khi sử dụng Concor 2.5mg và Concor 5mg. Bởi đây là các thuốc có thể tương tác gây giảm hiệu quả hoặc tăng tác dụng phụ của Concor.

  • Các thuốc chống loạn nhịp khác (dễ gây nhịp tim chậm).

  • Các thuốc hạ huyết áp (tăng nguy cơ hạ huyết áp quá mức).

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), điều trị lao Rifampicin (làm giảm tác dụng của Concor).

  • Thuốc điều trị sốt rét Mefloquine (dễ gây loạn nhịp tim, ngừng tim).

ban-can-luu-y-khi-dung-concor-voi-cac-loai-thuoc-khac.jpg

Bạn cần lưu ý khi dùng Concor với các loại thuốc khác

Xử lý các trường hợp thường gặp khi dùng Concor ?

Làm gì nếu uống Concor gặp tác dụng phụ?

Tất cả các loại thuốc điều trị đều có thể gây ra tác dụng phụ, và thuốc Concor cũng thế. Theo dõi bảng dưới đây để biết được cách xử trí khi gặp tác dụng phụ của loại thuốc này: 

Tác dụng không mong muốn 

Phương pháp xử trí 

Chóng mặt, mệt mỏi, buồn ngủ, mê sảng 

Nếu đang nằm, hãy đứng lên thật từ từ và di chuyển chậm. Khi đứng lên nếu cảm thấy chóng mặt thì hãy nằm xuống để không bị ngã, sau đó ngồi nghỉ một lát rồi mới đứng lên. Tác dụng này sẽ thuyên giảm sau khoảng 1 đến 2 tuần đầu tiên dùng thuốc. Nếu nó vẫn tiếp diễn, hãy liên hệ với bác sĩ điều trị của bạn. 

Nôn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy 

Sử dụng các loại thực phẩm dễ tiêu hóa và uống nhiều nước mỗi ngày 

Đau đầu 

Sử dụng thuốc giảm đau và tham khảo ý kiến của bác sĩ để được thay đổi thuốc điều trị 

Lạnh các chi, giấc ngủ bị rối loạn, chậm nhịp tim 

Liên hệ với bác sĩ nếu các tác dụng phụ này ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. 

 

Quên liều Concor phải làm sao?

Trong trường hợp quên liều, bạn có thể uống bù khi nhớ ra nếu thời điểm phát hiện chưa quá 12 giờ. Khi đã qua thời điểm này bạn nên bỏ luôn liều đó và uống tiếp theo lịch.

Dùng quá liều Concor cần làm gì?

Quá liều Concor là trường hợp cần được trợ giúp y tế. Các dấu hiệu thường gặp là tim đập chậm, giảm huyết áp rõ rệt, suy tim cấp, hạ đường huyết và co thắt phế quản. Mức độ nặng nhẹ của việc quá liều ở mỗi người là khác nhau và có thể nghiêm trọng hơn đối với bệnh nhân suy tim. Vì vậy, bạn nên cố gắng uống thuốc đúng liều lượng và để ý hàm lượng thuốc đang uống có giống với loại bác sĩ kê đơn không.

Có nên uống bia, rượu khi đang dùng Concor không?

Không nên sử dụng rượu bia trong quá trình điều trị với thuốc Concor vì sẽ làm tăng các tác dụng phụ như buồn ngủ, đau đầu, ngất xỉu và rối loạn nhịp tim. 

Có nên dùng Concor cho phụ nữ có thai/cho con bú?

Hiện tại vẫn chưa có các nghiên cứu đầy đủ về các rủi ro khi sử dụng thuốc Concor trong thời gian mang thai và cho con bú. Do vậy, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để đề phòng các rủi ro có thể xảy đến.  

Đối với phụ nữ có thai, chỉ nên sử dụng Concor 5mg sau khi đã cân nhắc kỹ về nguy cơ và lợi ích. Cần phải theo dõi trẻ sơ sinh kỹ càng ngay sau khi sinh và trong thời gian 3 ngày đầu tiên. 

 

Phụ nữ có thai và cho con bú có nên dùng thuốc hay không? 

Bảo quản Concor thế nào?

Thuốc Concor nên được bảo quản ở nhiệt độ thấp hơn 30 độ C, tránh ánh sáng trực tiếp. Không dùng thuốc khi đã hết hạn sử dụng và lưu ý để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em. 

Dùng Bisoprolol lâu dài có được không?

Thuốc Concor được sử dụng để điều trị lâu dài nhịp tim, dự phòng đau thắt ngực, kiểm soát huyết áp và dự phòng suy tim. Thuốc cần phải uống thường xuyên, ngay cả khi các triệu chứng không còn xuất huyết. Nếu dừng thuốc đột ngột, nhịp tim và huyết áp sẽ có khả năng tăng cao trở lại, cơn đau thắt ngực có thể xảy ra nhiều hơn và làm trầm trọng hơn các triệu chứng suy tim. Do đó, tuyệt đối không được ngừng thuốc bất chợt mà phải giảm liều từ từ theo chỉ định của bác sĩ. 

Nhìn chung thuốc Concor 2.5mgConcor 5mg là 2 thuốc hiệu quả trong việc giảm nhịp tim, huyết áp, đau thắt ngực, phòng suy tim tiến triển. Tuy nhiên để ổn định bệnh lâu dài, bạn cần dùng thuốc đúng cách kết hợp với các lời khuyên kể trên.

Thông tin về thuốc Concor 2.5mg và Concor 5mg:

*Chú ý: thông tin trên bài viết chỉ mang tính tham khảo, không thay thế được phương pháp điều trị của bác sĩ, cần tìm đến chuyên gia để được tư vẫn

Nguồn tham khảo:

  • https://www.mims.com/vietnam/drug/info/concor/?type=vidal#Overdosage

  • http://www.medicalook.com/reviews/Concor.html

  • https://www.practo.com/medicine-info/concor-25-mg-tablet-23309

  • https://patient.info/medicine/bisoprolol-a-beta-blocker-cardicor-congescor

  • https://www.netdoctor.co.uk/medicines/heart-blood/a26558/how-do-i-take-bisoprolol/

  • https://www.practo.com/medicine-info/concor-5-mg-tablet-23310

 

Bài viết liên quan:

----------------------------------

Thông tin đến bạn: TPBVSK Ninh Tâm Vương

  • Với thành phầm chính là thảo dược Khổ sâm giúp

  • Hỗ trợ giảm hồi hộp, trống ngực, tim đập nhanh, bồn chồn, lo âu

  • Hỗ trợ ổn định nhịp tim, phòng nguy cơ suy tim do rối loạn nhịp

Ninh Tâm Vương phù hợp với những đối tượng rối loạn nhịp tim (ví dụ như nhịp nhanh nhĩ, nhịp nhanh thất, nhịp nhanh xoang…) hoặc người có nguy cơ cao bị rối loạn nhịp tim như: người bị bệnh tim, bệnh mạch vành, bị di chứng sau biến cố tim mạch…