Máy tạo nhịp tim là gì?
Máy tạo nhịp tim là thiết bị nhỏ có khả năng tạo ra xung động để đảm bảo nhịp tim trong giới hạn bình thường và tim hoạt động tốt cho những trường hợp bị nhịp tim đập quá chậm hoặc xen kẽ nhịp nhanh, nhịp chậm, người suy tim, nghẽn đường ra thất trái…
Máy tạo nhịp tim được các chuyên gia khuyến cáo sử dụng cho các bệnh nhân tim mạch
Cấu tạo và cách hoạt động của máy tạo nhịp tim
Cấu tạo của máy tạo nhịp tim bao gồm 2 phần:
-
Bộ điều khiển
-
Hai dây điện cực
Đầu dây điện cực thứ 1 nối với bộ điều khiển, còn đầu còn lại gắn vào thành của trái tim. Đầu dây điện cực thứ 2 được gắn vào buồng nhĩ, đầu còn lại thì gắn vào buồng thất.
Một máy tạo nhịp tim đi kèm bộ điều khiển là một hộp kim loại nhỏ đựng pin và mạch điện. Bộ điều khiển này có nhiệm vụ điều chỉnh tần suất xung điện, qua đó tạo năng lượng thấp thông qua dây điện cực của xung điện truyền đến tim. Xung điện sẽ làm tim co bóp theo tần số đã cài trên bộ điều khiển.
Việc cấy máy tạo nhịp tim có thể trong thời gian ngắn hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào loại bệnh. Đặc biệt đối với những người bị rối loạn nhịp tim chậm hay nghẽn dẫn truyền tim thì máy tạo nhịp tim sẽ giúp tăng nhịp tim, xung điện giữa buồng nhĩ và buồng thất đồng bộ hơn, từ đó có thể phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm do rối loạn nhịp tim gây ra.
Cấu tạo máy tạo nhịp gồm 2 phần chính: dây điện cực và máy tạo nhịp
Khi nào cần đặt máy tạo nhịp tim?
Thông thường, máy tạo nhịp tim sẽ được chỉ định đặt cho những người bị bệnh nhịp tim chậm do:
-
Suy nút xoang,
-
Nút nhĩ nhất (nút AV)
-
Bị tắc nghẽn đường dẫn truyền xung động từ nút nhĩ thất đến mạng His-Purkinje
-
Block nhĩ thất cấp 2 hoặc 3
-
Bệnh nhân có rung nhĩ với cơn nhịp chậm,
-
Nhanh xen kẽ…
Không phải tất cả các trường hợp nhịp tim chậm đều phải đặt máy tạo nhịp tim. Chỉ những người nhịp chậm quá mức, không đáp ứng với thuốc điều trị và thường xuyên gặp các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, choáng váng, ngất xỉu… mới cần đặt máy tạo nhịp tim.
Mắc các bệnh gì cần lắp máy tạo nhịp tim?
Máy tạo nhịp tim cũng được sử dụng để điều trị ngất (cơn ngất không rõ nguyên nhân). Những người suy tim có chức năng tâm thu thất trái giảm nặng, điều trị bằng thuốc không hiệu quả cũng có thể được chỉ định đặt máy tạo nhịp để tạo nhịp tái đồng bộ cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định chủng loại máy phụ thuộc vào tình trạng thực tế của người bệnh.
Tùy theo trường hợp mà bệnh nhân có thể được chỉ định đặt máy tạo nhịp tim tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Người thường xuyên bị choáng váng, ngất xỉu do nhịp tim chậm là đối tượng cần được đặt máy tạo nhịp tim
Cần chuẩn bị gì trước khi đặt máy tạo nhịp tim?
Trước khi thực hiện cấy máy tạo nhịp tim, bệnh nhân cần chuẩn bị sức khỏe tốt, tâm lý thoải mái cùng với một số lưu ý như sau:
-
Cần nhịn ăn 5 tiếng trước khi thực hiện cấy máy tạo nhịp tim.
-
Bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc an thần nếu cần, thuốc kháng sinh được dùng để chống nhiễm trùng sau phẫu thuật.
-
Trường hợp cấy máy tạo nhịp tim đồng bộ có kèm máy phá rung tự động (CRT -D), người bệnh cần được chuẩn bị tiền mê
-
Ngưng sử dụng thuốc chống đông (aspirin, warfarin) 7 ngày trước khi thực hiện cấy máy và kiểm tra chỉ số đông máu INR trước khi phẫu thuật. Có thể thêm heparine 1000 đơn vị/ 1 giờ đối với những bệnh nhân có nguy cơ đông máu cao.
-
Với các loại thuốc khác bạn đang sử dụng, không nên tự ý ngưng thuốc mà cần hỏi ý kiến bác sĩ điều trị, đặc biệt là thuốc điều trị bệnh tiểu đường.
-
Cần tắm gội sạch sẽ, với nam giới trước khi đặt máy tạo nhịp sẽ được khuyến cáo cạo hết lông vùng ngực để tránh nhiễm trùng.
Quy trình cài đặt máy tạo nhịp tim gồm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Đặt điện cực vào buồng tim là giai , sau khi đã xác định được vị trí phù hợp, điện cực sẽ được cố định vào thành tim.
Giai đoạn 2: Tiếp đến là đặt máy tạo nhịp, bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường trên da, vừa đủ để đút chiếc máy vào.
Thông thường máy sẽ được đặt ở vị trí ngay dưới và giữa xương đòn bên phải. Sau khi đã đặt xong máy tạo nhịp vào đúng vị trí, dây điện cực sẽ được nối vào máy và máy sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của mình.
Quy trình đặt máy gồm 2 giai đoạn: đặt điện cực vào buồng tim và đặt máy tạo nhịp
Biến chứng khi đặt máy tạo nhịp tim
Biến chứng khi sử dụng máy tạo nhịp tim
Đặt máy tạo nhịp tim có nguy hiểm không?
Nếu có thể so sánh thì việc đặt máy tạo nhịp tim sẽ không nguy hiểm bằng việc không thực hiện. Mặc dù vẫn có những rủi ro có thể xảy trong quá trình sử dụng máy nhưng nó vẫn có tỷ lệ xảy ra thấp hơn so với những nguy cơ khi không đặt máy tạo nhịp tim như ngất xỉu, ngừng tim đột ngột hay thậm chí là đột tử…
Bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng sau khi đặt máy tạo nhịp tim như:
Bong vết thương tại chỗ
Bong vết thương tại chỗ: đây là tình trạng hiếm gặp và có thể xuất hiện một vài ngày sau khi tiến hành đặt máy. Biến chứng này có thể dẫn đến nhiễm trùng và nguyên nhân là do đặt máy có kích thước không phù hợp, khiến da và cơ căng quá mức. Để điều trị, bác sĩ sẽ thực hiện cắt lọc tạo lại rìa vết thương và đặt máy lại vị trí phù hợp.
Ăn mòn da và dịch chuyển máy tạo nhịp
Ăn mòn da và dịch chuyển máy tạo nhịp: máy sẽ bị di chuyển so với vị trí ban đầu gây ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của máy cũng như gây bào mòn cho lớp da bên trên. Điều này sẽ khiến máy bị trồi lên và gây nhiễm trùng vết thương. Bác sĩ cần phải thực hiện tạo hình chỗ da bị mất và đặt lại máy.
Tụ máu
Tụ máu: là tình trạng máu thoát ra từ các động mạch, tĩnh mạch bị vỡ hoặc máu tụ hình thành trong quá trình cân cơ, bóc tách các mạc để tạo khoảng trống đặt máy. Đây là dạng biến chứng thường gặp khi thực hiện đặt máy tạo nhịp tim. Nếu tình trạng tụ máu nhẹ có thể tự khỏi, tuy nhiên những trường hợp nặng sẽ cần phải điều trị.
Một số biến chứng hiếm gặp
-
Huyết khối do khí
-
Huyết khối tĩnh mạch
-
Tràn máu màng tim
-
Ép tim
-
Tràn máu màng phổi hay tràn khí màng phổi.
Mắc dù có khả năng xuất hiện biến chứng nhưng rất hiếm gặp và hạn chế được nguy cơ tử vong
Chi phí đặt máy tạo nhịp tim là bao nhiêu?
Máy tạo nhịp tim giá bao nhiêu? Bảo hiểm có chi trả chi phí cho người đặt máy tạo nhịp tim không? Đây chắc hẳn là vấn đề được đại đa số bệnh nhân đều thắc mắc.
Hiện nay có rất nhiều loại máy tạo nhịp tim khác nhau vậy nên chi phí đặt dao động nhiều mức giá. Chi phí phẫu thuật và đặt máy tạo nhịp tim 1 buồng và 2 buồng có giá dao động từ 52-90 triệu đồng. Bên cạnh đó, các loại máy trợ tim cao cấp có giá đến hơn 200 triệu đồng.
Trường hợp bệnh nhân có bảo hiểm y tế thì sẽ được chi trả 80% nếu có giấy chuyển viện, nếu không có thì được chi trả 40%.
Bảo hiểm có tri trả cho chi phí lắp đặt máy tạo nhịp tim và trường hợp có bảo hiểm y tế (BHYT) thì chi phí đặt máy sẽ được giảm tùy vào loại máy mà bạn sử dụng. Bạn cần chuẩn bị một số các giấy tờ sau để đảm bảo được mình hưởng đủ quyền lợi, bao gồm:
-
Thẻ bảo hiểm y tế còn thời hạn sử dụng khi điều trị bệnh
-
Biên lai thu viện phí
- Giấy ra viện.
Sau đây là bảng chi đặt máy tạo nhịp tim khi có bảo hiểm y tế mà bạn có thể tham khảo.
Bảng giá chi phí lắp đặt máy tạo nhịp tim
Loại máy tạo nhịp | Chi phí đặt máy có bảo hiểm y tế | |
Đúng tuyến | Trái tuyến | |
Máy tạo nhịp tạm thời | 5.000.000 VNĐ | 5.500.000 VNĐ |
Máy tạo nhịp vĩnh viễn 1 buồng - VVI | 15.000.000 VNĐ | 35.000.000 VNĐ |
Máy tạo nhịp 1 buồng - VVIR | 25.000.000 VNĐ | 45.000.000 VNĐ |
Máy tạo nhịp 1 buồng VVIR (MRI+) | 40.000.000 VNĐ | 55.000.000 VNĐ |
Máy tạo nhịp 2 buồng (DDD) | 50.000.000 VNĐ | 75.000.000 VNĐ |
Máy tạo nhịp 2 buồng (DDD - MRI+) | 55.000.000 VNĐ | 80.000.000 VNĐ |
Máy tạo nhịp tim 2 buồng (DDDR) | 62.000.000 VNĐ | 85.000.000 VNĐ |
Máy tạo nhịp tim 2 buồng (DDDR) MRI toàn phần | 100.000.000 VNĐ | 115.000.000 VNĐ |
Máy tạo nhịp 3 buồng | 230.000.000 VNĐ | 255.000.000 VNĐ |
Chăm sóc bệnh nhân sau khi đặt máy tạo nhịp tim
Sau khi tiến hành đặt máy tạo nhịp tim thành công, bệnh nhân cần ở lại bệnh viện vài ngày để theo dõi tình trạng sức khỏe cũng như tình trạng hoạt động của máy. Trước khi bệnh nhân được xuất viện, bác sĩ sẽ có những điều chỉnh phù hợp với bệnh nhân và kiểm tra máy tạo nhịp tim lại một lần nữa.
Trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, bệnh nhân đã đặt máy tạo nhịp tim cần chú ý những điều sau:
-
Nên nghỉ ngơi hoàn toàn trong 3-7 ngày đầu sau khi cấy máy.
-
Hạn chế làm các công việc bằng tay trong thời gian 4-6 tuần sau khi cấy máy, bao gồm giặt giũ, mang vật nặng, chơi các môn thể thao đối kháng hoặc nâng đồ từ trên kệ cao.
-
Bạn nên vận động cánh tay và vùng vai một cách nhẹ nhàng để tránh đông cứng khớp vai.
-
Những người làm nghề lái xe sẽ không được trở lại công việc trong vòng 6 tuần sau khi lắp máy tạo nhịp tim.
Về chăm sóc vết mổ, bạn cũng cần lưu ý:
-
Tránh làm ướt vết thương cho đến khi vết thương lành hẳn. Sau đó, bạn nên tránh đeo bất cứ thứ gì cọ xát vào vùng đặt máy, chẳng bạn như đai chống gù…
-
Phụ nữ có thể sử dụng áo ngực rộng hơn.
-
Tránh để vết thương tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong năm đầu tiên vì điều này có thể gây ra sẹo thâm.
Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường trong quá trình sử dụng máy, bệnh nhân cần đến ngay bệnh viện kiểm tra ngay. Còn nếu máy vẫn hoạt động tốt, người bệnh chỉ cần đi tái khám được chỉ định theo định kỳ 1 tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng 1 lần.
Lưu ý khi sử dụng máy tạo nhịp tim
Bất kỳ người bệnh nào sau khi đặt máy tạo nhịp tim cũng muốn biết rằng họ phải kiêng những gì để không làm ảnh hưởng tới tác dụng của máy cũng như tránh những nguy hiểm xảy ra. Sau đây là những điều bạn cần đặc biệt lưu ý nếu đã cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn:
-
Hạn chế tiếp xúc với một số thiết bị điện tử: máy nghe nhạc, máy chụp cộng hưởng, điện thoại… Nếu tiếp xúc nhiều với các thiết bị này sẽ gây ra sự gián đoạn tín hiệu của máy tạo nhịp tim. Do đó, người bệnh không nên nghe điện thoại bên tai cùng phía với máy (thông thường là bên phải) mà hãy nghe ở tai đối diện, để cho khoảng cách từ điện thoại đến thiết bị xa nhất có thể. Với các thiết bị khác như máy sấy tóc, lò vi sóng thì hãy để thiết bị cách xa máy tạo nhịp tim ít nhất 15cm. Nếu bạn sử dụng bếp từ cần giữ khoảng cách từ mặt bếp tới thiết bị ít nhất 60 cm. Nếu bạn cảm thấy chóng mặt hoặc tim đập nhanh hơn khi sử dụng một thiết bị điện, chỉ cần di chuyển ra xa khỏi thiết bị đó thì nhịp tim sẽ trở lại bình thường.
-
Các chẩn đoán/điều trị không được thực hiện: Bệnh nhân không nên chụp hoặc tiếp xúc với máy cộng hưởng từ hạt nhân, điều trị bằng sóng cao tần, điều trị nhiệt điện với tần số cao, sóng ngắn, đốt điện tim bằng sóng radio tần số thấp vì có thể gây gây bất hoạt máy tạo nhịp.
-
Chú ý khi đi qua hàng rào an ninh tại sân bay: cần khai báo hoặc xuất trình thẻ chứng minh đã đặt máy tạo nhịp tim với nhân viên sân bay trước khi làm thủ tục kiểm tra an ninh. Vì từ trường bên trong hàng rào kiểm tra an ninh có thể gây rối loạn hoạt động của máy. Do đó cần khai báo trước để nhân viên có thể tắt từ trường để bệnh nhân có thể đi qua an toàn.
-
Không nên tiếp xúc gần với các thiết bị có từ trường (nam châm).
-
Chú ý khi lái xe: người đã đặt máy tạo nhịp tim cần chú ý khi lái xe, tránh gặp phải những trường hợp nguy hiểm đột ngột, vẫn có thể thắt dây an toàn nhưng tránh để dây đè ngang lên máy.
-
Hạn chế nằm hoặc lấy tay đè lên máy.
-
Tuân theo hướng dẫn của bác sĩ: Bệnh nhân cần nghiêm khắc với bản thân và tuân theo những hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc, tái khám định kỳ đầy đủ và những hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
-
Ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như: đột ngột khó thở, chóng mặt, tức ngực, phù chi, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất và cần mang theo thẻ ghi chép máy tạo nhịp tim.
-
Hầu hết các loại pin của máy tạo nhịp tim có tuổi thọ từ 6 đến 10 năm. Vì vậy sau thời gian này, bạn có thể cần phải thay pin, đây là 1 thủ thuật đơn giản nên bạn chỉ cần quay lại bệnh viện đã đặt máy để được hỗ trợ. Hệ thống dây dẫn cũng có thể phải thay thế theo niên hạn sử dụng.
Lưu ý khi sử dụng máy tạo nhịp tim bạn cần biết
Tóm lại, máy tạo nhịp tim đóng vai trò quan trọng đối với những bệnh nhân tim mạch, đặc biệt là những bệnh nhân thường xuyên gặp phải tình trạng tim đập chậm, rối loạn nhịp tim… Hy vọng những thông tin này có thể giúp bạn giải đáp những thắc mắc cũng như có cái nhìn tổng quan hơn về phương pháp điều trị này.
Xem thêm:
-
Sắp có máy điều hoà nhịp tim không dùng pinMáy tạo nhịp tim - Đặt máy tạo nhịp tim 2 buồng vĩnh viễn
Nguồn tham khảo:
- https://www.nhs.uk/conditions/pacemaker-implantation/recovery/
- https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/17360-permanent-pacemaker
- https://www.healthline.com/health/heart-pacemaker#followup
Link tham khảo chuyên môn:
- https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/pacemaker/about/pac-20384689
- https://www.msdmanuals.com/vi/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-tim-m%E1%BA%A1ch/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-nh%E1%BB%8Bp-tim-v%C3%A0-r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-d%E1%BA%ABn-truy%E1%BB%81n/m%C3%A1y-t%E1%BA%A1o-nh%E1%BB%8Bp-tim