Rivaroxaban, Apixaban là những thuốc kháng đông thế hệ mới thường được dùng để dự phòng đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ. Mới đây các thuốc này đã được Sở Y tế TP.HCM đưa vào toa thuốc điều trị COVID-19 cho F0 tại nhà. Vậy tại sao F0 lại cần sử dụng những thuốc này? Cách sử dụng và lưu ý khi dùng thuốc ra sao? 

Thuốc Xarelto 10mg (hoạt chất Rivaroxaban) là một trong những thuốc chống đông máu được chỉ định cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà

Thuốc Xarelto 10mg (hoạt chất Rivaroxaban) là một trong những thuốc chống đông máu được chỉ định cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà

Tác dụng của thuốc chống đông máu thế hệ mới với F0

Thuốc chống đông máu có tác dụng ngăn ngừa hình thành hoặc làm chậm sự phát triển của các cục máu đông. Thuốc được chỉ định điều trị cho người bệnh tim hoặc người đang gặp phải tình trạng làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông nguy hiểm.

Ở bệnh nhân F0, virus SARS-Cov-2 sẽ làm tăng phản ứng viêm, sinh ra bão cytokine, gây đông máu, làm thuyên tắc phổi. Việc sử dụng các thuốc chống đông máu thế hệ mới sẽ giúp người bệnh giảm được nguy cơ hình thành huyết khối, phòng tránh tắc nghẽn phổi cấp tính, từ đó giảm nguy cơ bệnh trở nặng và tử vong cho người bệnh. 

Hai loại thuốc kháng đông thế hệ mới được Sở Y Tế HCM đưa vào toa thuốc cho F0 tại nhà là Rivaroxaban và Apixaban. Trong đó thuốc Rivaroxaban thuộc thế hệ 2 còn Apixaban thuộc thế hệ 3. Thuốc được sử dụng khi người bệnh có triệu chứng khó thở hoặc đo SpO2 dưới 90% mà chưa liên hệ được nhân viên Y tế.

Liều dùng thuốc chống đông cho F0 tại nhà là bao nhiêu?

Trong đơn thuốc dành cho bệnh nhân F0 của Sở Y Tế TP.HCM, liều dùng thuốc chống đông máu cho các bệnh nhân F0 là:

  • Rivaroxaban 10mg (Biệt dược Xarelto) uống 1 lần/ngày vào buổi sáng. 
  • Apixaban 2,5mg (Biệt dược Eliquis) uống 2 lần/ngày vào buổi sáng, chiều.

Lưu ý: Chỉ sử dụng 1 trong 2 loại thuốc kể trên, không dùng đồng thời để tránh gặp phải tác dụng phụ.

Eliquis 2.5 mg (Apixaban) là thuốc chống đông máu được chỉ định cho F0 

Eliquis 2.5 mg (Apixaban) là thuốc chống đông máu được chỉ định cho F0 

Những người cần thận trọng khi dùng Rivaroxaban, Apixaban

Nếu bạn là F0 nhưng lại thuộc một số đối tượng sau, bạn cần thận trọng hơn khi sử dụng các thuốc chống đông máu đường uống thế hệ mới Rivaroxaban, Apixaban:

  • Mắc bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc bệnh lý khác đang dùng thuốc chống đông máu: Các thuốc chống đông bạn đang dùng (như Aspirin, Clopidogrel (Plavix), Dipyridamole (Persantine), Prasugrel (Effient), Ticagrelor (Brilinta)) có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết dưới da, xuất huyết nội sọ… khi dùng cùng Rivaroxaban, Apixaban. Chính vì vậy, bạn hãy liên lạc với bác sĩ chuyên khoa và trao đổi về việc dùng thuốc chống đông máu như thế nào cho hiệu quả.
  • Đang sử dụng các thuốc điều trị khác: Một số loại thuốc như thuốc giảm đau không steroid (ibuprofen, diclofenac), thuốc chống nấm nhóm azol đường uống (ketoconazol, itraconazol), cyclosporin, thuốc chống loạn nhịp amiodarone, quinidine hoặc kháng sinh như erythromycin hoặc clarithromycin, thuốc điều trị rối loạn tâm thần… cũng có thể tương tác xấu với rivaroxaban, apixaban. Điều này sẽ tăng nguy cơ xuất huyết hoặc làm giảm tác dụng chống đông của thuốc. Do đó, bạn nên báo cho nhân viên y tế tất cả các thuốc mà mình đang dùng để bác sĩ điều chỉnh liều hoặc chỉ định loại thuốc phù hợp.
  • Người bị suy thận nặng, suy gan kèm rối loạn đông máu, đang xuất huyết, phụ nữ có thai, cho con bú: Đây là các đối tượng chống chỉ định với thuốc chống đông máu đường uống thế hệ mới để tránh nguy cơ gặp tác dụng phụ.

Lưu ý cho F0 khi dùng thuốc kháng đông thế hệ mới tại nhà

Nếu bạn không thuộc những đối tượng “đặc biệt” kể trên và bạn cần thiết phải sử dụng thuốc chống đông máu thì cần lưu ý những điều sau đây:

  • Nếu bạn quên một liều thuốc chống đông, nên dùng ngay lập tức viên thuốc bị bỏ lỡ đó, không tăng gấp đôi liều thường ngày để bù vào và tiếp tục điều trị bình thường ở ngày hôm sau với liều được khuyến cáo.
  • Không tự ý tăng liều khuyến cáo khi chưa được nhân viên y tế hướng dẫn. Nếu có các dấu hiệu cảnh báo quá liều như chảy máu, nốt thâm tím bất thường, chảy máu cam, tiểu ra máu, phân đen ... cần liên hệ tới số đường dây nóng để được hướng dẫn xử trí.

Nếu có dấu hiệu bầm tím bất thường dưới da, F0 cần báo cho nhân viên y tế 

Nếu có dấu hiệu bầm tím bất thường dưới da, F0 cần báo cho nhân viên y tế 

Ngoài ra, người bệnh F0 đang điều trị tại nhà cũng cần lưu ý các dấu hiệu bệnh đang trở nặng để liên hệ tới nhân viên y tế hoặc đội phản ứng nhanh như sau:

  • Có các triệu chứng như sốt trên 38ºC, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở thì liên hệ nhân viên y tế qua tổng đài "1022" (bấm số 3) để được tư vấn từ Hội Y học TP.HCM, hoặc số 4 để được tư vấn từ "Thầy thuốc đồng hành", hoặc gọi số điện thoại của tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được tư vấn và hướng dẫn xử trí.
  • Khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, nồng độ oxy trong máu (SpO2) <95% (nếu có dụng cụ đo SpO2 tại nhà) thì liên hệ ngay tổng đài "115" hoặc số điện thoại của tổ phản ứng nhanh phường xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Hai loại thuốc Rivaroxaban, Apixaban hiện đang được bán tại nhiều nhà thuốc Tây với giá 45.000 - 75.000 VNĐ/viên. Tuy nhiên những bệnh nhân F0 thì không cần phải mua thuốc vì nằm trong gói thuốc hỗ trợ của Sở y tế TPHCM.

Bộ y tế cũng khuyến cáo những người chưa nhiễm Covid-19 không tự ý mua thuốc chống đông máu hoặc các thuốc khác trong đơn điều trị cho bệnh nhân F0 để dự phòng trong nhà. Bởi điều này sẽ gây khan hiếm thuốc trên thị trường, khiến giá thuốc bị đẩy lên cao và gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Nhìn chung sử dụng thuốc chống đông có thể mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bệnh nhân chỉ dùng thuốc khi cần thiết và dùng đúng liều lượng theo hướng dẫn nêu trên.

Nguồn: moh.gov.vn, magazine.canhgiacduoc.org.vn, timmachhoc.vn, hojaworld.com