Có rất nhiều người cùng mắc Covid-19 nhưng triệu chứng và tiến triển của bệnh cũng như biến chứng lại rất khác nhau. Tất cả là do phản ứng miễn dịch của cơ thể họ.
Những người mắc bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi, ung thư… có hệ miễn dịch kém nên khi cơ thể họ bị virus corona tấn công, hệ miễn dịch bị suy yếu, bão cytokine xuất hiện và gây biến chứng nặng nề.
Bão cytokine là gì?
Hội chứng cơn bão cytokine (Cytokine Release Syndrome - CRS) là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân xâm nhập như virus gây bệnh, dẫn đến phản ứng viêm toàn hệ thống.
Bão cytokine xảy ra khi có sự gia tăng lượng lớn các tế bào miễn dịch
Tại sao người nhiễm Covid-19 lại gặp bão cytokine?
Khi virus SARS-CoV-2 nhân xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch được kích hoạt để chống lại virus bằng cách sử dụng số lượng lớn nhiều loại tế bào khác nhau của hệ miễn dịch để giải phóng các cytokine - một loai protein giúp ngăn ngừa virus tiếp tục xâm nhập và tiêu diệt loại bỏ virus.
Tuy nhiên, khi virus quá mạnh hoặc mầm bệnh quá mới hoặc đáp ứng miễn dịch của bệnh nhân quá mạnh khiến hệ miễn dịch phải phản ứng liên tục và kéo dài làm lượng cytokine tiết ra với số lượng lớn, gây bão cytokine tấn công nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể như phổi, thận, gan. Tình trạng này gây nên biến chứng nặng nề ở người nhiễm Covid-19, đặc biệt ở những người có sẵn bệnh lý khác như tim mạch, ung thư. Các biến chứng này bao gồm:
- Rối loạn đông máu: làm giảm tiểu cầu và các thành phần đông máu, khiến người bệnh dễ xuất huyết không kiểm soát, tụt huyết áp hoặc làm máu đông đặc khó lưu thông, gây tim đập nhanh, sốt, co giật, nhức đầu.
- Hội chứng phổi đông đặc: Bão cytokine tấn công vào phổi, phá vỡ các mô phổi, làm vỡ phế nang, khiến dịch rò rỉ ra và gây viêm phổi, làm thiếu hụt oxy trong máu. Khi phổi bị tổn thương nặng, mất khả năng trao đổi khí và trở thành đông đặc, gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tính.
- Suy đa tạng: Sau khi tổn thương phổi, rối loạn đông máu xảy ra thì các cơ quan khác như gan, thận, tim… bắt đầu bị ảnh hưởng và dẫn đến tình trạng suy đa tạng. Nếu không được điều trị, bão cytokine có thể gây tử vong cho bệnh nhân Covid-19.
Có cách nào làm dịu cơn bão cytokine ở người nhiễm SARS-CoV-2?
Để làm giảm tác động tiêu cực của bão cytokine ở người nhiễm Covid-19 nhẹ, người bệnh có thể giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn bằng cách tập thể dục nhẹ nhàng, ăn uống đủ chất, tránh lo lắng căng thẳng, giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, súc họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý….
Còn với những bệnh nhân nặng có thể được dùng thuốc ức chế miễn dịch để làm giảm phản ứng quá mức của hệ miễn dịch. Kết quả nghiên cứu được công bố gần đây nhất vào ngày 16/06/2020 của các bác sĩ Vương Quốc Anh đối với thuốc Dexamethason trong điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Kết quả cho thấy thuốc Dexamethason giảm 1/3 tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân Covid-19 phải dùng máy thở; giảm 1/5 tỷ lệ tử vong ở người bệnh phải thở oxy. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết thử nghiệm của họ không hiệu quả với những bệnh nhân Covid-19 ở thể nhẹ.
Ức chế miễn dịch là một cách để làm dịu cơn bão cytokine ở người nhiễm Covid-19 nặng
Đặc biệt, nếu sử dụng lâu dài, thuốc này có thể làm giảm chức năng của hệ miễn dịch trong việc chống lại virus SARS-CoV-2. Cho nên điều này lại trở thành một khó khăn trong việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 bị mắc phải bão cytokine, bởi vừa phải đảm bảo hệ miễn dịch hoạt động tố để chống lại virus gây bệnh nhưng không được phản ứng quá mức. Không chỉ vậy, thuốc còn gây nhiều tác dụng phụ khác nếu sử dụng bừa bãi, vì vậy bạn chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Đến thời điểm hiện nay, làm sóng Covid mới đã trở lại Việt Nam, nhưng bạn hãy tin tưởng vào kinh nghiệm của các nhà chuyên môn về việc điều trị cũng như kiểm soát không cho dịch bệnh lây lan. Việc bạn cần làm hiện nay là hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, trang bị các biện pháp để tự bảo vệ mình và người thân khỏi bị lây nhiễm.
Nguồn: sciencedirect suckhoedoisong