Làn sóng Covid-19 thứ 2 quay trở lại Việt Nam với chủng virus lây lan nhanh và những người có tiền sử mắc bệnh tim mạch, nhịp tim không ổn định rất dễ gặp rủi ro khi nhiễm bệnh. Vì thế người bệnh cần trang bị cho mình những kiến thức sau để an toàn vượt qua dịch bệnh.
Đừng hoang mang quá mức và hãy bảo vệ mình
Số ca tử vong do nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng mấy ngày nay liên tục tăng và dự báo trong những ngày tới sẽ có thêm nhiều ca tử vong mới. Vậy đó có phải là do chủng virus SARS-CoV-2 ở Đà Nẵng mạnh hơn các chủng trước xuất hiện tại Việt Nam?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: chưa có minh chứng về việc virus biến đổi về độc lực nhưng căn cứ trên giải trình tự gen cho thấy virus chủng mới ở Đà Nẵng có biến đổi về khả năng bám dính vào tế bào, dẫn đến lây lan nhanh hơn. Chủng virus này tương tự với chủng xuất hiện tại Bangladesh hồi cuối tháng 6 đầu tháng 7. Đợt sóng Covid-19 thứ 2 ở Đà Nẵng, ổ dịch xuất hiện tại bệnh viện nên người nhiễm bệnh chủ yếu là người cao tuổi đi chăm nuôi người bệnh và những người bệnh mãn tính đang điều trị tại bệnh viện nên diễn biến bệnh xấu đi nhanh hơn.
Để phòng nhiễm dịch Covid-19, tất cả người dân cần quay lại những thói quen như ở thời gian giãn cách xã hội trước đây. Cụ thể:
- Không đến nơi đông người, nếu đến thì cần đeo khẩu trang và rửa tay, sát khuẩn thường xuyên và khi về nhà.
- Khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở: Hãy liên hệ với trung tâm y tế gần nhất để được hướng dẫn cách xử trí kịp thời
- Khi đi khám bệnh: cần dùng khẩu trang, mang nước sát khuẩn tay và chỉ đi khám khi thực sự cần thiết.
Đeo khẩu trang là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi Covid-19
Những bước cần làm khi thấy ho, sốt, tiêu chảy
Sự nguy hiểm của SARS-CoV-2 là dễ kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các cơ quan nội tạng thông qua việc kích hoạt bão Cytokine (phản ứng quá khích của hệ thống miễn dịch làm giải phóng ồ ạt các chất tiền viêm) làm đông đặc phổi, viêm cơ tim, suy thận...và gây rối loạn đông máu ở người có tiền sử tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi hoặc ở người cao tuổi, người béo phì.
Đặc điểm của chủng SARS-CoV-2 mới này không chỉ gây ra các triệu chứng điển hình là sốt, ho dai dẳng, mất khứu giác (không phân biệt được mùi) mà còn gây ra nhiều các triệu chứng khác không điển hình như đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, tiêu chảy, giảm trí nhớ, chán ăn, khó thở. Vì thế, trong mùa dịch, bất cứ khi nào gặp phải các triệu chứng tương tự như cúm hoặc tiêu chảy đi kèm với nhức đầu, mất mùi, chán ăn, đau họng, đau ngực, không ho, sốt đều cần cẩn trọng và nên làm theo hướng dẫn sau:
1/ Liên hệ với Trung tâm y tế gần nhất hoặc đường dây nóng của Bộ Y tế theo số 19009059 để được hướng dẫn thăm khám và điều trị phù hợp, bạn không nên tự ý mua thuốc về sử dụng.
2/ Với những trường hợp cũng có biểu hiện sốt, ho nhưng không có yếu tố nguy cơ nhiễm Covid-19 hoặc chưa được nhập viện, trước mắt bạn cũng cần thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà để hạ sốt và phòng ngừa tình huống xấu nhất là bị nhiễm Covid-19. Cụ thể:
* Với người bệnh:
- Cần đeo khẩu trang và súc họng thường xuyên, người bệnh nên ở trong phòng riêng, thoáng khí, sử dụng nhà vệ sinh riêng là tốt nhất.
- Hạ sốt: Khi bị sốt, người bệnh sẽ bị mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn đông máu, chính vì vậy cần có biện pháp hạ sốt:
+ Dùng thuốc hạ sốt như paracetamol mỗi 4h/lần. Không dùng aspirin để hạ sốt vì có thể gây xuất huyết.
+ Khi lên cơn sốt giữa hai lần dùng thuốc, cần lau người bằng nước ấm để giãn lỗ chân lông, giúp quá trình thoát nhiệt nhanh. Trên trán đắp khăn theo thứ tự như sau: (a) Ấm trong 5 phút, (b) khăn nước lã 5 phút, (c) khăn lạnh 20 phút.
Hướng dẫn các bước đắp khăn để giảm sốt cho người bệnh
- Bù nước, bù điện giải: Uống bù nước liên tục bằng cách uống từng ngụm nhỏ. Nên uống xen kẽ nước lọc, oresol, nước ép trái cây, nước rau củ quả (bó xôi, cải xoăn, bí đao, rau má….) với lượng từ 2.5-3l/ngày. Có thể cho người bệnh uống trà mật ong, trà gừng.
- Đồ ăn cần dễ tiêu: Khi bị ốm sốt, nhiễm khuẩn, người bệnh sẽ giảm khả năng miễn dịch cho nên cần ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như: cháo dinh dưỡng, cơm mềm và thịt gà, thịt heo băm nhỏ … Tránh ăn thịt bò, đồ biển, đồ chiên xào lúc này, bởi các thực phẩm khó tiêu này sẽ làm gia tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, khiến người bệnh càng thêm mệt.
Hạ sốt và bù điện giải khi sốt cao là hai bước quan trọng trong việc ngăn chặn sự kích hoạt cơn nhịp nhanh ở người bệnh tim mạch, đặc biệt ở những người bị rối loạn nhịp tim, rối loạn thần kinh tim.
* Người chăm sóc
- Cần đeo khẩu trang, mắt kính, đeo găng tay và thay sau mỗi lần tiếp xúc chăm sóc.
- Những người khác nên giữ khoảng cách an toàn từ 2m trở lên.
Thuốc Dexamethasone làm giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở người bệnh nặng
Nghiên cứu của Trường đại học Oxford ở Anh vừa công bố kết quả vào ngày 16/06/2020 cho thấy thuốc Dexamethasone giúp giảm 1/3 tỉ lệ tử vong ở những người mắc Covid-19 nặng phải phụ thuộc vào máy thở, và giảm 1/5 tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân phải thở oxy.
Dexamethasone là thuốc thuộc nhóm corticoid, có tác dụng kháng viêm mạnh, nó vốn thường được dùng để điều trị các bệnh dị ứng, viêm khớp dạng thấp và hen suyễn. Bên cạnh lợi ích thì thuốc này cũng có khá nhiều tác dụng không mong muốn như giữ nước, gây loét dạ dày, loãng xương, tăng nhãn áp, tăng đường huyết và gây ra hội chứng cushing khi dùng dài ngày. Với thời gian dùng ngắn, thuốc an toàn ít gây tác dụng phụ (trừ tăng đường huyết).
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cho biết dexamethasone không hiệu quả trong điều trị các bệnh nhân Covid-19 nhẹ và cũng không có tác dụng dự phòng nhiễm Covid-19, nhưng đó cũng là thông tin đáng giá đối với việc điều trị để làm tăng tỷ lệ sống ở những người bệnh phải thở máy.
Những lưu ý quan trọng để phòng tránh nhiễm Covid-19
Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19, bạn hãy có biện pháp nhanh chóng để bảo vệ người thân trong gia đình và xã hội
Hiểu biết và trang bị cho mình kiến thức về bệnh Covid-19 sẽ giúp bạn an toàn và tăng thêm sức mạnh cho toàn đất nước chống dịch hiệu quả. Hãy chia sẻ những thông tin hữu ích này tới nhiều người để chúng ta sớm vượt qua đại dịch này thêm một lần nữa.
Nguồn: who suckhoedoisong tuoitre