Cordarone là loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị rối loạn nhịp tim hiện nay. Công dụng, cách dùng, liều dùng, làm gì khi quên liều và quá liều... là những vấn đề người bệnh quan tâm khi được chỉ định sử dụng loại thuốc này. Hãy cùng tìm hiểu 7 lưu ý cần nắm khi dùng thuốc Cordarone trị rối loạn nhịp tim trong bài viết sau. 

Cordarone là thuốc gì? Giá bao nhiêu?

Thuốc Cordarone (Amiodarone) là thuốc chống loạn nhịp tim được sử dụng để điều trị và dự phòng một số chứng rối loạn nhịp tim như rung thất, nhịp tim nhanh. Tác dụng của thuốc là giảm và duy trì nhịp tim ổn định. 

Thành phần và đặc tính của thuốc 

Mỗi viên nén Cordarone 200mg sẽ bao gồm những thành phần chính là Amiodarone hydrochloride hàm lượng 200g và lượng tá dược vừa đủ. Thuốc Cordarone trị rối loạn nhịp tim sở hữu một số đặc tính sau:

  • Chống cơn đau thắt ngực nhằm giảm giảm nhịp tim, giảm kháng lực ở mức ngoại biên ở mức trung bình, từ đó giảm nhu cầu tiêu thụ oxy.

  • Chống rối loạn nhịp tim, kéo dài pha 3 của đường điện thế hoạt động bằng cách làm giảm dòng ion kali mà vẫn ổn định nhịp tim.

  • Hạn chế tính kích ứng của cơ tim ở nhĩ mô, mô nút, mô thất và kéo dài thời kỳ trơ.

  • Kéo dài thời gian trơ của đường dẫn truyền phụ từ nhĩ xuống thất và làm chậm dẫn truyền.

  • Tác dụng trực tiếp lên cơ trơn động mạch của cơ tim, nhờ đó tăng cung lượng tim.

  • Làm chậm dẫn truyền mô nút, xoang nhĩ và nhĩ nhưng vẫn giữ nguyên dẫn truyền nội thất.

  • Làm giảm tính tự động nút xoang gây nhịp chậm không đáp ứng với atropin và ức chế alpha và bêta adrénergique theo kiểu không cạnh tranh.

thuoc-cordarone-co-dac-tinh-chong-lai-nhung-con-dau-that-nguc.jpg

Thuốc Cordarone có đặc tính chống lại những cơn đau thắt ngực

Thuốc Cordarone có 2 loại bao gồm:

Dạng dung dịch tiêm tĩnh mạch 150mg/3ml có giá dao động từ 200.000 – 220.000 VNĐ/hộp 6 ống x 3ml.

Dạng viên nén 200mg có giá dao động từ 325.000 – 340.000 VNĐ/hộp 3 vỉ x 10 viên. 

Bạn có thể mua Cordarone tại các nhà thuốc trên toàn quốc khi được bác sĩ kê đơn.

thuoc-Cordarone.jpg

Cordarone có dạng viên nén và dạng tiêm tĩnh mạch

Công dụng chính của Cordarone

Cordarone có 2 tác dụng chính là:

Chống loạn nhịp tim: Hoạt chất Amiodarone có trong thuốc Cordarone giúp ngăn chặn dòng chảy Kali trong điện thế của tim nên khắc phục tình trạng nhịp tim không đều. 

Chống cơn đau thắt ngực: Cordarone làm giảm nhịp tim kéo theo giảm nhu cầu tiêu thụ oxy nên có tác dụng chống đau thắt ngực. 

Ngoài ra khi tiêm tĩnh mạch, thuốc còn làm giảm lực co bóp của cơ tim. 

Những ai nên và không nên dùng Cordarone?

Cordarone được chỉ định với những người bệnh có tình trạng rối loạn nhịp tim nặng, không đáp ứng với các thuốc điều trị khác. Cụ thể như sau:

Những người nên dùng

  • Người mắc bệnh nhịp nhanh thất (có triệu chứng rung thất).

  • Rối loạn nhịp tim kèm theo hội chứng Wolff-Parkinson-White 

  • Rối loạn nhịp nhĩ, rối loạn nhịp thất.

  • Xuất hiện tình trạng rối loạn nhịp tim kèm theo các bệnh lý tim mạch (bệnh mạch vành, suy tim).

Những người không nên dùng

  • Người bệnh rối loạn chức năng tuyến giáp.

  • Có tiền sử mẫn cảm với Amiodarone.

  • Nhịp chậm xoang.

  • Người bệnh trụy tim mạch và hạ huyết áp nghiêm trọng.

  • Người bệnh đang sử dụng những thuốc có thể gây xoắn đỉnh.

  • Người bệnh có hội chứng suy nút xoang (trừ trường hợp đã đặt máy tạo nhịp tim). 

  • Người bệnh rối loạn chức năng tuyến giáp không nên sử dụng Cordarone

thuoc-cordarone-khong-danh-cho-benh-nhan-roi-loan-chuc-nang-tuyen-giap.jpg

Thuốc Cordarone không dành cho bệnh nhân rối loạn chức năng tuyến giáp

Hướng dẫn cách dùng Cordarone an toàn, hiệu quả

Thuốc cordarone trị rối loạn nhịp tim được dùng khi có chỉ định từ bác sĩ điều trị trực tiếp. Trong suốt quá trình dùng thuốc, bạn cần lưu ý những điều sau đây để an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất.

Cách dùng, liều dùng thuốc Cordarone

Viên nén Cordarone được sử dụng bằng đường uống, người bệnh có thể uống trong khi ăn hoặc sau khi ăn đều được. Bạn nên uống cả viên với nước, không nghiền thuốc hoặc nhai thuốc. 

Liều dùng Cordarone có thể dao động từ 1 - 6 viên 200mg/ngày và được “cá nhân hóa” cho từng người bệnh. Vì vậy, bạn nên tuân thủ đúng liều lượng do bác sĩ chỉ định, tuyệt đối không tự ý thay đổi liều.

Cách xử trí khi quên liều, quá liều 

Trường hợp quên liều: Hãy uống thuốc ngay khi bạn nhớ ra, nhưng nếu đã gần đến thời gian uống liều tiếp thì hãy bỏ qua liều đã quên. Tuyệt đối không uống bù gấp đôi liều trong cùng một lúc.

Trường hợp quá liều: Uống quá liều Cordarone sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Vì vậy, bạn cần gọi cấp cứu ngay lập tức để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

goi-cap-cuu-115-khi-tim-dap-nhanh-dot-ngot.jpg

Gọi cấp cứu ngay khi uống quá liều Cordarone

Những tác dụng phụ của thuốc Cordarone trị rối loạn nhịp tim

Sử dụng thuốc Cordarone có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, hãy thông báo với bác sĩ ngay nếu người bệnh nhận thấy những dấu hiệu này:

Rụng tóc, sút cân, cảm thấy nóng hoặc lạnh bất thường, tăng tiết mồ hôi... Đây là biểu hiện của tình trạng cường giáp. Nếu là trường hợp suy giáp thì sẽ xuất hiện tình trạng khô da, cứng khớp, đau khớp, mệt mỏi, tăng cân...

  • Giảm thị lực, mờ mắt.

  • Nhạy cảm với ánh sáng, da mẫn cảm và dễ xảy ra mẩn đỏ, bong tróc.

  • Xuất hiện triệu chứng khó thở.

  • Run tay chân, giảm khả năng phản xạ, ngủ không ngon giấc.

  • Rối loạn và suy giảm chức năng gan gây vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, nước tiểu màu đậm...

  • Rối loạn nhịp tim, tim đập chậm hơn.

  • Rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, khó tiêu).

Các thuốc cần cẩn trọng khi dùng cùng Cordarone

Dưới đây là danh sách những loại thuốc có thể tương tác với Cordarone và gây ra những phản ứng phụ nghiêm trọng:

  • Những loại thuốc điều trị nhịp tim khác như Solatol, Quinidine, Procainamide...).

  • Thuốc trị nhiễm trùng (Erythromycin tiêm tĩnh mạch, Co – trimoxazole, Pentamidine).

  • Thuốc điều trị thần kinh (Chlorpromazine, Haloperidol, Thioridazine...)

  • Thuốc điều trị viêm gan C (Sofosbuvir, Daclatasvir, Simeprevir, Ledipasvir).

  • Thuốc trị viêm (Hydrocortisone, Betamethasone).

  • Thuốc lợi tiểu.

  • Thuốc trị táo bón, nhuận tràng (Bisacodyl, Senna).

  • Thuốc điều trị Cholesterol cao (Simvastatin, Atorvastatin).

  • Nếu người bệnh được chỉ định sử dụng Cordarone mà đang sử dụng một trong những loại thuốc này, hãy thông báo ngay với bác sĩ. 

tam-ly-rat-huu-ich-voi-nguoi-roi-loan-than-kinh-thuc-vat.jpg

Hãy báo cho bác sĩ tất cả các thuốc bạn đang hoặc sẽ sử dụng cùng Cordarone

>> Xem thêm: Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim phổ biến & lưu ý khi sử dụng

Giải đáp các câu hỏi thường gặp khi sử dụng Cordarone

Dưới đây là giải đáp một số những câu hỏi người bệnh thường gặp phải khi mới bắt đầu sử dụng thuốc Cordarone.

Khi dùng Cordarone cần lưu ý gì?

Không nên ăn bưởi hoặc uống nước bưởi khi sử dụng Cordarone: Bởi bưởi có thể làm tăng lượng thuốc trong máu gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.

Không nên sử dụng rượu, bia: Uống rượu khi đang sử dụng thuốc Cordarone có thể làm tăng nguy cơ gặp phải những các dụng phụ của thuốc.

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời: Cordarone làm tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, khiến da dễ bị cháy nắng. Khi đi ra ngoài trời, bạn nên mặc quần áo chống nắng và sử dụng các loại kem chống nắng. 

Cẩn thận khi lái xe hoặc làm việc với các loại máy móc vì thuốc có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.

Tránh các yếu tố gây tăng nhịp tim như căng thẳng, stress, mất ngủ, chất kích thích (rượu, cà phê, trà, thuốc lá…).

Nên tập thiền, yoga, tập thở kết hợp ăn uống lành mạnh (ưu tiên rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt nạc…) 

Thông tin hữu ích cho bạn: Khổ sâm - cây thuốc “khắc tinh” của rối loạn nhịp tim

khong-nen-su-dung-ruou-bia-khi-dang-su-dung-thuoc-cordarone-tri-roi-loan-nhip-tim.jpg

Không nên sử dụng rượu bia khi đang sử dụng thuốc cordarone trị rối loạn nhịp tim

Tôi nên bảo quản thuốc Cordarone như thế nào?

Sau khi sử dụng, bạn nên cất vỉ thuốc vào trong hộp giấy để tránh ánh sáng và không để thuốc ở những nơi trên 25 độ C. Sau đó hãy bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát, an toàn tránh xa tầm tay trẻ em.

Phụ nữ có thai và cho con bú có được sử dụng Cordarone?

Phụ nữ có thai và đang cho con bú không nên sử dụng thuốc Cordarone bởi có nguy cơ làm xuất hiện tình trạng suy giáp, cường giáp và nhịp tim đập chậm. Hoạt chất Amiodaron trong thuốc chuyển hóa và bài tiết nhiều vào sữa mẹ, do đó có thể gây ra tình trạng chậm phát triển, bất thường về thần kinh.

Vì vậy, không nên sử dụng Cordarone cho phụ nữ có thai và đang con bú. Tuy nhiên, nếu phải chỉ định thì bác sĩ cần cảnh báo người bệnh về khả năng gây hại cho thai nhi. 

Phụ nữ có thai và đang cho con bú không nên sử dụng thuốc Cordarone

Mất bao lâu để Cordarone phát huy tác dụng?

Thông thường sẽ mất từ 2 đến 3 tuần để thuốc Cordarone có thể phát huy tác dụng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp có thể mất thời gian lâu hơn. Vì vậy, hãy trao đổi thêm với bác sĩ nếu bạn cảm thấy tình trạng sức khỏe của mình xấu đi hoặc không cải thiện khi sử dụng thuốc Cordarone.

Nếu tôi ngừng dùng Cordarone thì sao?

Khi ngừng dùng thuốc Cordarone, nhịp tim của bạn có thể bị rối loạn trở lại và điều này có thể dẫn đến nhiều rủi ro. Bạn chỉ nên ngừng khi bác sĩ chỉ định. Thông thường khi cho dừng Cordarone, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn 1 loại thuốc khác để đảm bảo nhịp tim luôn được duy trì ổn định.

Trên đây là những lưu ý về thuốc Cordarone trị rối loạn nhịp tim mà bạn cần biết trước khi sử dụng. Tuy nhiên, những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.