Điện tâm đồ là một phương pháp xét nghiệm phổ biến để chẩn đoán các bệnh lý về tim mạch, trong đó có chứng rối loạn nhịp tim. Đây là một xét nghiệm không gây đau và cho kết quả nhanh chóng để phát hiện các vấn đề về tim.

Điện tâm đồ

Hình ảnh điện tim trên màn hình điện tâm đồ

Điện tâm đồ ECG là gì?

Điện tâm đồ (ECG) là một xét nghiệm khá đơn giản ghi lại nhanh chóng hoạt động của tim thông qua các xung điện mà tim tạo ra khi nó co bóp, đảm bảo sự lưu thông của máu trong cơ thể. Phương pháp này cho biết tim đập nhanh như thế nào, nhịp tim có ổn định hay không, cường độ và thời gian của xung điện khi chúng đi qua các bộ phận tim. 

Các bác sĩ sẽ đưa ra các phân tích dựa trên kết quả điện tâm đồ để hiểu rõ hơn về nhịp tim của bạn. Khi có những thay đổi bất thường thì có thể đó là dấu hiệu của bệnh lý tim mạch.

Nhịp tim bình thường khi thực hiện điện tâm đồ

Nhịp tim bình thường khi thực hiện điện tâm đồ

Các loại điện tâm đồ trong chẩn đoán rối loạn nhịp tim

Có 3 loại điện tâm đồ được sử dụng trong chẩn đoán các bệnh tim mạch khi bạn đi khám tại các bệnh viện hoặc phòng khám, bao gồm:

  • Điện tâm đồ khi nghỉ ngơi: Điện tâm đồ khi nghỉ ngơi được thực hiện khi cơ thể đang nằm trong tư thế thoải mái. Đây là loại được chỉ định phổ biến nhất

  • Điện tâm đồ gắng sức: Điện tâm đồ gắng sức được thực hiện khi bạn đang sử dụng máy đi bộ hoặc xe đạp thể dục.

  • Điện tâm đồ holter: Điện tâm đồ holter hay còn gọi là điện tâm đồ lưu động, máy được đeo ở thắt lưng để theo dõi liên tục hoạt động điện tim của bạn trong vòng 24 hoặc 48 giờ. Phương pháp này được chỉ định khi người bệnh có nghi ngờ mắc rối loạn nhịp tim nhưng trên điện tâm đồ nghỉ ngơi không phát hiện ra.

Phương pháp điện tâm đồ thường sẽ hiển thị nhịp tim và hoạt động điện tim dưới dạng đồ thị và được hiển thị dưới dạng điện tử hoặc in trên giấy. Các đường sóng đồ thị này phải có hình dạng nhất quán hoặc tương tự dạng sóng chuẩn, nếu không có thể bạn đã gặp các vấn đề về tim.

Điện tâm đồ  - công cụ chính chẩn đoán bệnh rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim hay còn gọi là nhịp tim không đều, có nghĩa tim đang mất đi nhịp đập bình thường, có thể quá nhanh hoặc quá chậm. Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim có thể kể đến như tổn thương tim, bệnh tim, căng thẳng, mất cân bằng chất điện giải,...

Để chẩn đoán rối loạn nhịp tim, phương pháp phổ biến nhất là điện tâm đồ. Điện tâm đồ ghi lại những hoạt động của tim, giúp các bác sĩ phát hiện ra tình trạng nhịp tim bất thường, từ đó chẩn đoán các rối loạn liên quan đến nhịp tim.

Ngoài ra, các bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành xét nghiệm điện tâm đồ để:

  • Tìm nguyên nhân đau ngực, mệt mỏi, khó thở, chóng mặt hoặc ngất xỉu

  • Đánh giá các vấn đề liên quan đến tim, chẳng hạn như bệnh mạch vành, bệnh cơ tim, nhồi máu cơ tim.

  • Để chẩn đoán xác định bệnh ngoại tâm thu

  • Giúp xác định sức khỏe tổng thể, trong đó có tim mạch trước các thủ tục như phẫu thuật tim, sau điều trị đau tim, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, viêm nội tâm mạc, sau phẫu thuật tim hoặc thông tin .

  • Xem máy tạo nhịp tim đã cấy ghép vào cơ thể người bệnh hoạt động như thế nào.

  • Xác định hiệu quả của một số loại thuốc điều trị bệnh tim mạch

  • Theo dõi sức khỏe tim mạch định kỳ, so sánh điện tâm đồ ở các thời gian khác nhau.

Điện tâm đồ giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý tim mạch

Điện tâm đồ giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý tim mạch

Những điều cần lưu ý trước khi đo điện tâm đồ

Thông thường, trước khi tiến hành thực hiện đo điện tâm đồ, người bệnh không cần phải thực hiện các xét nghiệm hay thủ thuật để chuẩn bị. Nếu bạn đang dùng một số thuốc, tuỳ vào lý do đo điện tâm đồ mà các bác sĩ yêu cầu ngừng thuốc trước đó một hoặc hai ngày.

Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý các điều sau:

  • Thời gian: Cần dự phòng thêm từ 10 - 15 phút cho quá trình đăng ký và làm thủ tục.

  • Quần áo: Cần thay áo choàng của bệnh viện trước khi thực hiện điện tâm đồ, bạn cũng có thể được yêu cầu tháo trang sức cổ đang đeo.

  • Thức ăn: Bạn có thể thoải mái ăn uống trước khi xét nghiệm, nhưng các bác sĩ có thể yêu cầu không sử dụng caffeine trước 10 tiếng để ngăn nhịp nhanh tim.

  • Đo điện tâm đồ bao nhiêu tiền: Điện tâm đồ có giá từ 50.000 - 200.000đ/lần tùy thuộc chính sách của mỗi bệnh viện và loại điện tâm đồ khi nghỉ ngơi, điện tâm đồ gắng sức hay Holter 24h. Nếu bạn đeo máy theo dõi điện tâm đồ 24h, bạn sẽ phải đặt cọc tiền máy và được hoàn trả khi tháo máy. Điện tâm đồ là một trong những phương pháp xét nghiệm chẩn đoán được hầu hết các chương trình bảo hiểm chi trả. 

  • Mang theo những gì? Khi thực hiện xét nghiệm điện tâm đồ bạn cần mang theo bảo hiểm y tế, giấy tờ tùy thân, giấy yêu cầu xét nghiệm (nếu có).

  • Bạn có thể đặt câu hỏi cho các bác sĩ và kỹ thuật viên trước khi thực hiện đo điện tâm đồ. Hãy cho các bác sĩ biết bạn tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng, hay bạn có đang đeo máy tạo nhịp tim hay không.

Điện tâm đồ (ECG) có ảnh hưởng gì không?

Điện tâm đồ là phương pháp xét nghiệm nhanh chóng, an toàn và không gây đau. Đôi khi, người bệnh có thể thấy khó chịu khi kỹ thuật viên lấy những miếng dán điện cực ra khỏi da và có thể có phát ban nhẹ ở những nơi này. Người được chẩn đoán bằng điện tâm đồ không có nguy cơ bị điện giật trong quá trình xét nghiệm vì các điện cực được sử dụng không tạo ra điện, các điện cực chỉ ghi lại hoạt động điện của tim bạn.

Điện tâm đồ không thể phát hiện bệnh mạch vành

Điện tâm đồ không thể phát hiện bệnh mạch vành

Ngoài những ưu điểm, phương pháp xét nghiệm điện tâm đồ cũng có một số hạn chế như phía dưới đây, cho nên những bất thường trên điện tâm đồ cần được theo dõi bằng các xét nghiệm khác để chẩn đoán chắc chắn tình trạng của người bệnh:

  • Điện tâm đồ chỉ ghi lại được những bất thường của nhịp tim khi chúng xảy ra một cách liên tục.

  • Đối với người bệnh mạch vành khi thực hiện xét nghiệm bằng điện tâm đồ thì không thể phát hiện được bệnh.

  • Đôi khi, một số bất thường về tim được điện tâm đồ phát hiện lại không chính xác.

Nếu bạn đi khám và được chỉ định làm điện tâm đồ thì cũng đừng quá lo lắng, bạn có thể xem nó như một xét nghiệm bước đầu để chẩn đoán xác định các vấn để về tim và nhịp tim hoặc theo dõi sức khỏe tim mạch định kỳ.

Nguồn tham khảo:

  • https://www.verywellhealth.com/the-electrocardiogram-ecg-1745304

  • https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/electrocardiogram

  • https://www.nhs.uk/conditions/electrocardiogram/ 

  • https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/ekg/about/pac-20384983