Hở van tim nói riêng và bệnh tim mạch nói chung là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, cướp đi mạng sống 200.000 người Việt mỗi năm. Chính vì thế, nhận biết sớm các triệu chứng và điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn chặn mối nguy hiểm do bệnh hở van tim gây ra. Vậy triệu chứng của bệnh hở van tim là gì? Cách điều trị hở van tim ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các câu hỏi này.
Bệnh hở van tim là gì?
Bệnh hở van tim là tình trạng van tim đóng không kín, khiến máu trào ngược trở lại buồng tim phía trước mỗi khi tim co bóp. Lúc này, cơ tim phải làm việc nhiều hơn để máu lưu thông khắp cơ thể. Lâu dần, tim bị quá tải và gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như rối loạn nhịp tim, suy tim.
Hở van tim xảy ra khi van tim đóng không kín
Dựa vào mức độ van bị hở, bệnh hở van tim được chia thành 4 loại
- Hở van tim 1/4: Đây là mức độ hở van tim nhẹ nhất, đa phần người bệnh ở mức độ này thường không có triệu chứng, chưa cần phải điều trị và thường gọi là hở van tim sinh lý (trừ van động mạch chủ).
- Hở van tim 2/4: Đây là mức độ trung bình, cần được theo dõi thường xuyên vì dễ chuyển sang mức độ nặng hơn. Trong một số trường hợp, hở van tim 2/4 có kèm theo các bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành… thì cần được điều trị kịp thời.
- Hở van tim 3/4: Đây là mức độ nặng, người bệnh thường bị khó thở, đau thắt ngực, mệt mỏi, ho khan. Ở mức độ hở van tim 3/4, người bệnh cần được điều trị sớm bằng thuốc hoặc thay van tim.
- Hở van tim 4/4: Đây là mức độ hở van tim nặng nhất. Người bệnh cần được can thiệp phẫu thuật để sửa hoặc thay van tim nhằm ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như suy tim, nhồi máu cơ tim…
Ngoài ra, bệnh hở van tim được chia làm 4 loại bao gồm:
- Hở van tim hai lá: Máu bị trào ngược từ tâm thất trái về tâm nhĩ trái.
- Hở van ba lá: Máu bị trào ngược từ tâm thất phải về tâm nhĩ phải.
- Hở van động mạch phổi: Máu bị trào ngược từ động mạch phổi về tâm thất phải.
- Hở van động mạch chủ: Máu bị trào ngược từ động mạch chủ về tâm thất trái.
Hở van động mạch chủ thường nặng hơn hở các van tim khác.
Những nguyên nhân hở van tim thường gặp
Nguyên nhân gây hở van tim được chia thành hai nhóm chính, gồm:
- Nguyên nhân bẩm sinh: Do sự bất thường van động mạch chủ và van hai lá.
- Nguyên nhân xuất phát từ những bệnh lý khác:
- Thấp tim, thấp khớp.
- Thoái hóa tuổi già.
- Các bệnh lý về tim mạch như cơ tim bị giãn, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ hoặc viêm nội tâm mạc nhiễm trùng (nhiễm trùng trong tim)...
- Van tim bị hở do sa van, đứt dây chằng van hai lá…
Dấu hiệu, triệu chứng hở van tim
Các triệu chứng, dấu hiệu hở van tim phụ thuộc vào mức độ của bệnh. Ở mức độ nhẹ, người bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, rất khó phát hiện bệnh và chỉ có thể biết được khi kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, ở các giai đoạn về sau (mức độ hở van tim 2/4 trở lên), khi bệnh đã tiến triển nặng hơn, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng rõ ràng hơn.
Một số triệu chứng hở van tim có thể kể đến như:
- Khó thở ngày càng tăng, đặc biệt là khi người bệnh vận động hoặc nằm xuống.
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt do tim không thể tuần hoàn mang máu đi nuôi cơ thể.
- Đánh trống ngực, tim đập nhanh hoặc đập không đều.
- Sưng ở mắt cá chân, bàn chân hoặc bụng.
Trong trường hợp hở van tim do viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng sốt, ớn lạnh hoặc đau nhức cơ thể.
Ngoài ra các dấu hiệu hở van tim còn có thể thay đổi theo loại van bị hở. Ví dụ hở van 2 lá thường dẫn tới ứ huyết tại tim, phổi gây ho, đau ngực, nặng ngực. Hở van 3 lá khiến tại các cơ quan không trở về tim được gây phù (phù mắt cá chân, bàn chân), phù gan (gan lách to)...
Người bị hở van tim thường cảm thấy khó thở, đau thắt ngực…
Bệnh hở van tim có nguy hiểm không?
Hở van tim là một căn bệnh tiềm ẩn nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nếu chủ quan không điều trị sớm. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh hở van tim bao gồm:
- Suy tim
- Huyết khối gây đột quỵ
- Rối loạn nhịp tim, rung nhĩ
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
Các phương pháp chẩn đoán bệnh hở van tim
Để chẩn đoán chính xác bệnh hở van tim, bác sĩ cần tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Siêu âm tim Doppler: Với một đầu dò phát - nhận sóng siêu âm, bác sĩ có thể đánh giá được mức độ hở van tim, khả năng ảnh hưởng của bệnh đến chức năng của tim.
- Điện tâm đồ: Các miếng dán điện cực nhỏ được gắn vào da để lấy thông tin hoạt động của tim. Điện tâm đồ giúp bác sĩ chẩn đoán các biểu hiện không đặc hiệu của bệnh hở van tim như dày nhĩ trái, rung nhĩ.
- Chụp X-quang ngực: Thường được chỉ định với các trường hợp van tim cấp tính hoặc suy tim nặng. Chụp X-quang giúp đánh giá được kích thước tim hoặc tình trạng phù phổi cấp.
- Thông tim (chụp mạch): Đây là phương pháp chẩn đoán có xâm lấn. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc cản quang vào ống thông đã được luồng theo đường mạch máu lớn đi vào trong tim. Nhờ đó, bác sĩ sẽ đánh giá được các bất thường và tổn thương của van tim, đồng thời đưa ra các kế hoạch phẫu thuật tim nếu cần. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được áp dụng khi các phương pháp kể trên không cho kết quả chính xác.
Chẩn đoán hở van tim bằng điện tâm đồ hoặc siêu âm tim Doppler
Bệnh hở van tim có chữa được không?
Bệnh hở van tim khó chữa khỏi hoàn toàn nhưng người bệnh có thể giảm triệu chứng và biến chứng nguy hiểm nếu điều trị đúng cách. Cách điều trị hở van tim phụ thuộc vào loại van bị hở cũng như giai đoạn phát triển, mức độ nặng hay nhẹ của bệnh.
- Đối với hở van tim nhẹ (từ 1/4 đến 2/4): Đa phần người bệnh sẽ chưa phải phẫu thuật. Tuy nhiên nếu có triệu chứng hoặc hở van động mạch chủ là van tim kiểm soát lượng máu đi nuôi cơ thể thì người bệnh sẽ được điều trị nội khoa bằng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc chống đông máu, thuốc ức chế men chuyển hóa… Đồng thời, người bệnh cần phải áp dụng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để ngăn không cho bệnh tiến triển sang các giai đoạn nặng hơn.
- Đối với hở van tim nặng (từ 3/4 trở lên): Với mức độ này, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc. Thậm chí nếu hở van tim có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân cần được can thiệp bằng phẫu thuật để sửa hoặc thay van tim, tùy vào mức độ hở hoặc tổn thương của van tim.
Ngoài ra, người mắc bệnh hở van tim cần thường xuyên thăm khám theo lịch của bác sĩ hoặc 3 - 6 tháng/lần để điều trị kế hoạch điều trị phù hợp.
Người bệnh hở van tim sống được bao lâu?
Nếu điều trị tốt, người bệnh hở van tim có thể có tuổi thọ 70 - 80 năm gần như người bình thường. Ngay cả những trường hợp phải thay van thì tiên lượng của người bị hở van vẫn khá khả quan. Ví dụ như tỷ lệ sống của người bệnh hở van động mạch chủ nặng được thay van sau 10 năm lên tới 92%.
Điều trị tốt, người bệnh hở van vẫn sống lâu như người bình thường
Phòng ngừa bệnh hở van tim như thế nào?
Ông cha ta có câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Để phòng ngừa bệnh suy van tim, bạn cần áp dụng các biện pháp sau:
- Có chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh: Ăn nhiều loại rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt… để cung cấp đầy đủ vitamin và dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Đồng thời, bạn cần hạn chế những thức ăn chứa nhiều muối, đường, dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn… nhằm bảo vệ sức khỏe tim mạch.
- Hạn chế chất kích thích: Cà phê, rượu bia, thuốc lá sẽ gây rối loạn nhịp tim, đặc biệt là những bệnh nhân gặp các vấn đề về tim.
- Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý: Tình trạng tăng cân, béo phì là gánh nặng cho tim khi co bóp, làm suy giảm chức năng tim.
- Lối sống lành mạnh, khoa học: Tập thể dục đều đặn với các bài tập vừa sức, cân bằng giữa cuộc sống và công việc, giữ cho tinh thần luôn thoải mái, tránh căng thẳng.
Hở van tim là một trong những bệnh lý nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, bệnh hở van tim cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời với các phác đồ điều trị phù hợp. Nếu có bất kỳ điều gì thắc mắc về bệnh hở van tim, bạn có thể liên hệ trực tiếp với các chuyên gia theo số 0981 238 219.
Tác giả: Vương Quốc Trung
Link tham khảo:
https://medlineplus.gov/heartvalvediseases.html
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17600-valve-disease-types
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17639-what-you-need-to-know-heart-valve-disease
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-valve-disease/symptoms-causes/syc-20353727