Bisoprolol là cái tên thường gặp trong các đơn thuốc điều trị bệnh tim mạch, đặc biệt là nhịp tim nhanh, huyết áp cao, đau thắt ngực. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tác dụng, hướng dẫn cách dùng thuốc Bisoprolol sao cho an toàn và hiệu quả.

bisoprolol

Bisoprolol STADA là biệt dược phổ biến của Bisoprolol

Thông tin chung về Bisoprolol 

Bisoprolol là thuốc gì?

Bisoprolol là một loại thuốc điều trị bệnh tim mạch đường uống thường được sử dụng trong các trường hợp như bị nhịp tim nhanh, cao huyết áp, đau ngực do thiếu máu cơ tim và suy tim.

  • Tên hoạt chất: Bisoprolol

  • Loại thuốc: Thuốc ức chế chọn lọc thụ thể Beta 1 adrenergic.

Cấu trúc phân tử của Bisoprolol 

Cấu trúc phân tử của Bisoprolol 

Thuốc ở dạng viên uống với một số biệt dược như:

  • Agicardi

  • Bisoprolol Stada 2.5mg, 5mg, thuốc Bisoprolol fumarate 2.5mg, 5 mg; Bisoprolol, Bisoprolol OPV

  • Bisoprolol, Bio-Biso, Bihasal, Bisoblock, Biselect, Bisotab

  • Concor, Concor COR

  • Domecor

  • Haiblock

  • Zebeta

Bisoprolol có những loại nào?

Thuốc Bisoprolol được điều chế dưới dạng viên nén, và thường có 3 loại hàm lượng như sau:

  • Thuốc Bisoprolol 2.5mg

  • Thuốc Bisoprolol 5mg 

  • Thuốc Bisoprolol 10mg

Tác dụng của Bisoprolol 

Bisoprolol 2.5mg hay 5mg là thuốc chẹn thụ thể beta (beta blocker) có tác dụng giảm nhịp tim và điều trị cao huyết áp. Việc sử dụng Bisoprolol còn giúp ngăn ngừa các vấn đề về thận, đột quỵ hay đau tim. Bisoprolol tác dụng thông qua cơ chế ngăn chặn hoạt động của các hormone như Epinephrine trong tim và mạch máu, từ đó làm giảm nhịp tim, giảm huyết áp và giảm áp lực co bóp cho tim.

Các công dụng chính của Bisoprolol

Các công dụng chính của Bisoprolol

Trường hợp chỉ định và chống chỉ định

Đối tượng nào có thể dùng Bisoprolol (chỉ định)

Thuốc được chỉ định đối với những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân tăng huyết áp

  • Bệnh nhân đau thắt ngực

  • Bệnh nhân suy tim mãn thể ổn định mức độ từ vừa đến nặng. Có kèm giảm chức năng tâm thu thất trái, đã được điều trị bằng các thuốc như ức chế men chuyển, thuốc lợi tiểu và glycosid tim. Trường hợp này phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.

Đối tượng nào KHÔNG được dùng Bisoprolol (chống chỉ định)

Bisoprolol 2.5 mg chống chỉ định trong những trường hợp dưới đây:

  • Bệnh nhân sốc tim, bị suy tim cấp hoặc suy tim chưa kiểm soát được bằng điều trị nền.

  • Bệnh nhân suy tim độ 3 hoặc độ 4, kết hợp giảm chức năng co bóp thất trái (EF < 30%).

  • Bệnh nhân block nhĩ thất độ 2 hoặc độ 3, có nhịp chậm xoang (nhịp tim dưới 60 lần/phút trước khi tiến hành điều trị), có các bệnh liên quan đến nút xoang.

  • Bệnh nhân mắc hội chứng Raynaud nặng

  • Bệnh nhân có u tủy thượng thận (u tế bào ưa crom) và chưa được điều trị.

  • Bệnh nhân huyết áp thấp (< 100mmHg)

  • Bệnh nhân nhiễm toan chuyển hóa

  • Bệnh nhân nhạy cảm với Bisoprolol hoặc bất cứ thành phần nào khác của thuốc

Bisoprolol chống chỉ định với bệnh nhân suy tim cấp

Bisoprolol chống chỉ định với bệnh nhân suy tim cấp

Các loại thuốc chứa Bisoprolol giá bao nhiêu?

Tên thuốc Dạng thuốc Định lượng Bisoprolol Mức giá tham khảo
Bisoprolol Fumarate 2.5mg Viên nén 2.5mg 2280đ/viên
Bisoprolol Stada 5mg Viên nén 5mg 57000đ/30 viên
Bisoprolol Stada 10mg Viên nén 10mg 2400đ/viên

Cách dùng thuốc Bisoprolol  hiệu quả cao và an toàn

. Liều dùng thuốc Bisoprolol

Đối với người lớn:  Liều lượng thuốc phải được điều chỉnh cho phù hợp với từng người, theo đáp ứng của bệnh và sự dung nạp của bệnh nhân. Thời gian cho mỗi lần điều chỉnh sẽ cách nhau ít nhất 2 tuần. Liều điều trị tăng huyết áp và đau thắt ngực: 

  • Liều khởi đầu: 2.5-5mg x 1 lần/ngày. Tính chọn lọc của thuốc bisoprolol fumarate 5mg không tuyệt đối, do đó phải thận trọng hơn khi sử dụng với người bệnh co thắt phế quản.

  • Nếu liều 5mg không mang đến hiệu quả như mong muốn thì có thể tăng lên 10mg/ngày. Đối với một số trường hợp rất nặng có thể tiếp tục tăng liều đến mức tối đa là 20mg/ngày.

  • Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn khuyên nên sử dụng Bisoprolol với liều từ 2.5-10mg. Nếu không đáp ứng với liều điều trị này, hoặc bị giảm kali máu nặng sau khi uống hydroclorothiazid 50mg/ngày thì nên kết hợp sử dụng cả hai thuốc.

  • Liều khởi đầu hàng ngày khi kết hợp là bisoprolol 2,5 mg và hydroclorothiazid tỷ lệ 6,25 mg. Nếu cần có thể tiếp tục tăng liều nhưng không được vượt qua 20mg đối với Bisoprolol và 12.5mg đối với hydroclorothiazid.

  • Bệnh nhân nhạy cảm với Bisoprolol hoặc bất cứ thành phần nào khác của thuốc

Liều dùng Bisoprolol

Liều dùng Bisoprolol để điều trị đau thắt ngực, cao huyết áp có thể lên tới 20mg/ngày

Liều điều trị suy tim mãn tính thể ổn định:  Người bệnh suy tim mãn tính trước khi điều trị với Bisoprolol cần phải được điều trị ổn định với phác đồ chuẩn trong vòng 6 tuần, sử dụng các loại thuốc như ức chế men chuyển, thuốc lợi tiểu và Digitalis. Sau khi đã đạt đến tình trạng suy tim “khô” (không còn dịch màng tim, màng phổi, hết phù, phổi không còn ứ đọng và gan thu ngỏ) thì mới dùng thêm Bisoprolol vào phác đồ. Nguyên tắc sử dụng là liều khởi đầu thấp và tăng dần chậm. Điều trị với Bisoprolol vần phải được theo dõi bởi bác sĩ tim mạch. Thời gian chỉnh liều sẽ tuân thủ theo các bước như sau:

  • Bước 1: Uống 1.25mg/lần/ngày vào buổi sáng, duy trì trong 2 tuần. Nếu dung nạp tốt thì chuyển sang bước 2.

  • Bước 2: 2.5mg/lần/ngày, duy trì trong 2 tuần. Nếu dung nạp tốt thì chuyển sang bước 3

  • Bước 3: 5mg/lần/ngày, duy trì trong 4 tuần. Nếu dung nạp tốt thì chuyển sang bước 4

  • Bước 4: 7.5mg/lần/ngày, duy trì trong 4 tuần. Nếu dung nạp tốt thì chuyển sang bước 5.

  • Bước 5: 10mg/lần/ngày và điều trị duy trì. Sau khi cho liều đầu tiên 1.25mg, cần theo dõi trong vòng 4 giờ, đặc biệt là huyết áp, tần số tim, rối loạn dẫn truyền tim và các dấu hiệu tiến triển suy tim nặng

Liều điều trị tối đa được khuyến cáo là 10mg/lần/ngày.  Liều lượng điều chỉnh không chỉ dựa vào đáp ứng lâm sàng mà còn tùy thuộc vào mức độ dung nạp thuốc trước khi đi đến liều cuối cùng. Một số bệnh nhân sẽ xảy ra tác dụng phụ, không thể sử dụng được liều tối đa. Trong trường hợp nghiêm trọng cần phải giảm liều thuốc. Nếu cần thiết, phải ngừng uống thuốc, sau đó uống lại. Trong thời gian sử dụng liều điều chỉnh, nếu suy tim nặng lên hoặc không dung nạp thuốc thì phải giảm liều, thậm chí ngừng điều trị (trong trường hợp hạ huyết áp nghiêm trọng, suy tim nặng kết hợp phù phổi cấp, sốc tim, chậm nhịp tim hoặc block nhĩ-thất). Điều trị suy tim sử dụng Bisoprolol là điều trị trong thời gian dài, không được ngưng thuốc đột ngột nếu không sẽ làm nặng thêm bệnh suy tim. Nếu cần ngưng thuốc cần giảm liều từ từ, mỗi tuần giảm liều đi 1 nửa. Đối với trẻ em  Bisoprolol không được khuyến cáo sử dụng với trẻ em. Đối với các trường hợp khác Bệnh nhân suy thận hoặc suy gan:

  • Nếu ClCr < 40ml/phút hoặc có tổn thương gan thì liều khởi đầu nên là 2.5mg/ngày. Cần hết sức cẩn thận khi tăng liều ở bệnh nhân này.

  • Nếu ClCr < 20ml/phút, có cơn đau thắt ngực kèm theo tăng huyết áp, gan tổn thương nặng thì không nên dùng nhiều hơn 10mg/lần/ngày.

  • Đối với người cao tuổi liều lượng không cần phải điều chỉnh.

Liều dùng thuốc Bisoprolol ở người cao tuổi

Liều dùng thuốc Bisoprolol ở người cao tuổi không cần điều chỉnh

Thời điểm dùng thuốc Bisoprolol 

Thời điểm dùng Bisoprolol có thể trước bữa ăn hoặc sau đều được. Bạn nên uống thuốc vào cùng một giờ mỗi ngày để tránh quên thuốc.

Cách sử dụng thuốc Bisoprolol 

Cách dùng Bisoprolol tốt nhất là uống thuốc một lần mỗi ngày. Nếu lỡ quên thì uống bù ngay, nhưng khi đã quá 12 tiếng thì bỏ luôn liều đó và uống tiếp theo như lịch. Bisoprolol giúp bạn ổn định nhịp tim và huyết áp, nhưng không chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Vì vậy, dù đã hết triệu chứng nhưng bạn vẫn cần dùng thuốc lâu dài. Trong trường hợp ngưng thuốc, phải diễn ra từ từ trong ít nhất 1 tuần, giảm dần liều dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Dừng Bisoprolol đột ngột có thể gây đau thắt ngực kịch phát, hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim nghiêm trọng và đôi khi là cơn nhồi máu cơ tim gây nguy hiểm tới tính mạng. Hơn thế nữa, các loại thuốc này trên thị trường có hai dạng liều là Bisoprolol 2.5 mg và 5mg. Mỗi khi lấy thuốc ở bệnh viện, nhà thuốc hay phòng khám, bạn nên cẩn thận kiểm tra xem đó có đúng là loại trong đơn của bác sĩ không nhé.

dùng thuốc Bisoprolol theo đúng liều liệu bác sĩ kê đơn

Hãy dùng thuốc Bisoprolol theo đúng liều liệu bác sĩ kê đơn

Các tác dụng phụ cần lưu ý khi sử dụng Bisoprolol 

Bisoprolol có các tác dụng phụ dưới đây:

  • Tác dụng phụ thường gặp: Viêm mũi, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, suy nhược cơ thể, mệt mỏi.

  • Tác dụng phụ ít gặp: Đau khớp, khó ngủ, buồn nôn, giảm cảm giác và vận động, đau ngực, phù ngoại biên và nhịp tim chậm.

  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Ngất xỉu, gặp ác mộng, ảo giác, viêm kết mạc mắt, viêm mũi dị ứng, rối loạn thính giác, tăng triglyceride máu và tăng men gan (ALAT và ASAT)

Các tương tác của Bisoprolol 

Dược lực học của Bisoprolol  (cơ chế tác động)

Bisoprolol tác động ức chế chọn lọc trên thụ thể Beta 1 adrenergic, không có hoạt tính ổn định màng hay kích thích giao cảm nội tại nếu dùng trong phạm vi liều điều trị. Thuốc này ít có tác dụng trên thụ thể beta 2 ở cơ trơn phế quản và thành mạch máu nên không ảnh hưởng đến sức cản đường dẫn khí cũng như các tác dụng chuyển hóa trung gian thông qua thụ thể beta 2. Cơ chế hạ huyết áp của thuốc Bisoprolol bao gồm:

  • Giảm lưu lượng tim

  • Ức chế giải phóng renin từ thận

  • Giảm tác động lên hệ thần kinh giao cảm

  • Tác dụng nổi bật nhất là giảm tần số tim, cả khi nghỉ ngơi và khi gắng sức.

Dược động học Bisoprolol (Phản ứng của cơ thể với thuốc)

  • Hấp thu: Thuốc được hấp thu gần như hoàn toàn qua đường tiêu hóa và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau từ 2-4 tiếng. Tính sinh khả dụng qua đường uống khoảng 90%.

  • Phân bố: Khả năng liên kết với protein huyết tương của Bisoprolol khoảng 30%. Thể tích phân bố đạt 3.5L/kg.

  • Chuyển hóa: Thuốc được chuyển hóa tại gan thành các chất không có hoạt tính.

  • Thải trừ: Thuốc được đào thải ra ngoài cơ thể thông qua 2 con đường. Trong đó, 50% được chuyển hóa ở gan, tạo thành các chất không có hoạt tính rồi thải ra ngoài qua thận. Số còn lại được đào thải qua thận dưới dạng không chuyển hóa. Thời gian bán hủy khoảng 10-12 tiếng.

bisoprolol-duoc-hap-thu-tot-qua-duong-uong-va-thai-tru-qua-than.jpg

Bisoprolol được hấp thu tốt qua đường uống và thải trừ qua thận

Tương tác giữa Bisoprolol với thuốc khác

  • Không được sử dụng Bisoprolol với các loại thuốc ức chế thụ thể beta khác.

  • Sử dụng cùng các thuốc giảm catecholamin như reserpin hay guanethidin có thể khiến tác dụng chẹn beta tăng lên, gây giảm quá mức hoạt tính giao cảm.

  • Nếu phải ngừng sử dụng Clonidin thì phải ngừng Bisoprolol trước 1 thời gian

  • Thận trọng khi sử dụng Bisoprolol đồng thời với các thuốc ức chế co bóp cơ tim hoặc ức chế dẫn truyền nhĩ thất, ví dụ như thuốc ức chế Canxi. Tuyệt đối tránh kết hợp với thuốc tiêm bằng đường tĩnh mạch như Verapamil hay Diltiazem, hoặc các thuốc giảm loạn nhịp như Disopyramide hay Solatol.

  • Các loại thuốc chống viêm không steroid có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của Bisoprolol.

  • Thuốc Cimetidin và Hydralazine làm giảm chuyển hóa, giảm cấp máu đến gan nên làm giảm sự thải trừ.

  • Thuốc ức chế beta có thể làm tăng tác dụng chậm nhịp tim của Digoxin.

  • Khi sử dụng Bisoprolol, người bệnh có thể phản ứng mạnh hơn với các dị nguyên đã có tiền sử dị ứng trước đó.

Tương tác giữa Bisoprolol với thực phẩm

Bisoprolol không bị ảnh hưởng bởi thức ăn hay các loại thực phẩm khác. Đây là lý do bạn có thể uống thuốc trong khi ăn hoặc không cùng với thức ăn.

Cần lưu ý điều gì khi sử dụng Bisoprolol ?

Dùng Bisoprolol đúng cách, đúng liều đã giúp bạn đạt hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ tác dụng phụ. Song để hạn chế rủi ro một cách tối đa hơn, bạn cần lưu ý thêm các điều sau:

  • Nếu gặp phải tác dụng phụ, đừng ngừng dùng thuốc đột ngột mà nói chuyện với bác sĩ. Nhiều trường hợp, việc tự ngừng thuốc còn gây ra rủi ro nghiêm trọng hơn cả các tác dụng phụ.

  • Cần theo dõi huyết áp thường xuyên trong quá trình dùng thuốc, bằng cách tái khám và sử dụng máy đo tại nhà.

  • Bisoprolol có thể làm giảm phản ứng của não bộ hoặc gây ra chóng mặt. Vậy nên bạn cần đứng dậy từ từ để tránh té ngã, tránh lái xe hay làm những việc nguy hiểm. Đặc biệt, bạn cần hạn chế uống rượu bia. Bởi đồ uống có cồn sẽ làm tình trạng chóng mặt xuất hiện nhiều và với mức độ nặng hơn.

  • Quá liều Bisoprolol là trường hợp nguy hiểm, cần được trợ giúp y tế. Vì vậy dù bạn có triệu chứng hay không thì cũng nên báo cho bác sĩ nhé.

cách dùng thuốc bisoprolo

Bạn cần uống Bisoprolol đúng liều quy định, không tự tăng liều

Xử lý các trường hợp thường gặp khi dùng Bisoprolol?

Làm gì nếu uống Bisoprolol  gặp tác dụng phụ?

Bisoprolol 2.5mg hay Bisoprolol 5mg đều có thể gây ra tác dụng phụ. Bạn nên quan sát cơ thể xem liệu mình có gặp phải phản ứng không mong muốn của Bisoprolol nào dưới đây không:

  • Nhức đầu, chóng mặt, tiêu chảy, viêm mũi, mệt mỏi, phù, hạ huyết áp tư thế, lạnh đầu chi: Đây là những tác dụng phụ thường xảy ra nhất trong quá trình sử dụng Bisoprolol. Những tác dụng phụ này sẽ mất đi trong vòng vài ngày hoặc vài tuần, khi mà cơ thể của bạn đã quen với thuốc. Nhưng nếu kéo dài hơn thì nên báo với bác sĩ để được điều chỉnh liều.

  • Tăng mỡ máu (triglycerid), khô miệng, rối loạn cương dương, hay ngủ mơ nhiều và mất ngủ: Chỉ một số ít người bệnh rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, đau thắt ngực dùng thuốc Bisoprolol gặp các triệu chứng khó chịu này.

  • Co thắt phế quản: Đây là lý do tại sao những người bị hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính COPD không được khuyến khích dùng Bisoprolol.

Bên cạnh đó, thuốc Bisoprolol còn có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm như:

  • Dị ứng: phát ban đỏ trên da, ngứa, sưng mặt/môi/lưỡi.

  • Thay đổi nhịp tim: tim đập chậm hoặc không đều, cảm thấy chóng mặt, ngất xỉu.

  • Vấn đề về tim mạch: khó thở, phù chân hoặc mắt cá chân, đau ngực, tăng suy tim.

  • Đau, tê, lạnh, thay đổi màu da hoặc giảm độ nhạy cảm của ngón tay/ngón chân, đau nhức cơ bắp.

  • Lú lẫn, đổ mồ hôi, run rẩy, nôn mửa.

tác dụng phụ của Bisoprolol

Dị ứng cũng là một trong các tác dụng phụ của Bisoprolol

Điều may mắn là rất hiếm người sử dụng Bisoprolol gặp phải những tác dụng phụ nghiêm trọng kể trên. Vì vậy, hãy cứ yên tâm, tin tưởng vào bác sĩ và kiên nhẫn điều trị bạn nhé.

Quên liều Bisoprolol phải làm sao?

Nếu bạn quên sử dụng một liều thuốc, cần sử dụng bổ sung càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần đến thời gian để dùng liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục uống thuốc đúng theo kế hoạch. Tuyệt đối không dùng gấp đôi so với liều lượng đã quy định.

Dùng quá liều Bisoprolol  cần làm gì?

Trong trường hợp bạn dùng quá liều Bisoprolol và xuất hiện các dấu hiệu quá liều như tim đập chậm, giảm huyết áp rõ rệt, suy tim cấp, hạ đường huyết và co thắt phế quản, hãy đến ngay trạm Y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Đừng quên ghi lại hoặc mang theo danh sách các loại thuốc bạn đã sử dụng, bao gồm cả thuốc có kê đơn và không kê đơn để bác sĩ có thể chẩn đoán đúng nhất.

Có nên uống bia, rượu khi đang dùng Bisoprolol  không?

Bạn cần hạn chế tối đa việc uống rượu bia khi dùng Bisoprolol. Rượu bia có thể ảnh hưởng gián tiếp đến tác dụng của thuốc thông qua việc làm nặng thêm các bệnh lý tim mạch mà bạn đang gặp phải.

hạn chế dùng bia, rược khi dùng bisoprolol

Hạn chế dùng rượu bia khi đang dùng Bisoprolol

Có nên dùng Bisoprolol  cho phụ nữ có thai/ cho con bú?

Thuốc Bisoprolol vẫn chưa được xác định rõ ràng về rủi ro khi sử dụng trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Do vậy, hãy tham khảo trước ý kiến của bác sĩ để cân nhắc về lợi ích và nguy cơ khi sử dụng.

Bảo quản Bisoprolol thế nào?

Bisoprolol nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh môi trường có độ ẩm cao và ánh sáng trực tiếp. Không để thuốc trong ngăn đá và cũng không được bảo quản trong phòng tắm. Trước khi sử dụng hãy đọc kỹ hướng dẫn để biết cách bảo quản đúng với từng loại thuốc khác nhau. Lưu ý giữ thuốc tránh xa khỏi tầm tay của trẻ em và vật nuôi.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến khả năng dùng Bisoprolol 

Các bệnh nền trên cơ thể sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Do đó, hãy nói rõ với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình, bao gồm những vấn đề và bệnh lý sau đây:

  • Bệnh đau thắt ngực, nếu ngưng sử dụng thuốc đột ngột có thể gây đau ngực.

  • Bệnh huyết quản, nên thận trọng khi dùng Bisoprolol. Vì loại thuốc này có thể làm tăng mức độ trầm trọng của bệnh

  • Nhịp tim chậm so với bình thường

  • Suy tim - thuốc Bisoprolol không nên sử dụng ở những bệnh nhân này

  • Bệnh đái tháo đường

  • Bệnh cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)

  • Hạ glucose máu. Bệnh này có thể che giấu một số triệu chứng và dấu hiệu của các bệnh lý khác, ví dụ như tim đập nhanh

  • Bệnh lý ở thận

  • Bệnh lý tại gan nên sử dụng thuốc một cách thận trọng. Các triệu chứng có thể tăng lên rõ rệt vì quá trình đào thải thuốc sẽ chậm hơn.

  • Bệnh lý tại phổi, như hen suyễn, khí phế thủng hay viêm phế quản. Sử dụng Bisoprolol có thể gây khó chịu cho những bệnh nhân này.

bisoprolol cẩn trọng với bệnh nhân đái tháo đường

Bệnh nhân đái tháo đường cần nói rõ với bác sĩ về tình trạng bệnh

Dùng Bisoprolol lâu dài có được không?

Người bệnh tim mạch hoàn toàn có thể sử dụng Bisoprolol lâu dài. Tuy nhiên do bệnh tim mạch luôn tiến triển theo thời gian và có cơ chế bệnh phức tạp nên bạn cần thường xuyên thăm khám để điều chỉnh liều thuốc. Dù nhiều có lưu ý trong quá trình sử dụng nhưng Bisoprolol 2.5 mg hay 5 mg vẫn là loại thuốc hiệu quả để giảm nhịp tim, hạ huyết áp và hỗ trợ điều trị đau thắt ngực. Điều quan trọng là bạn nên biến việc dùng thuốc đúng cách thành thói quen hằng ngày để luôn có kết quả tốt nhất!

Thông tin về thuốc Bisoprolol 2.5mgBisoprolol 5mg:

 

 

Nguồn tham khảo: 

  • https://www.drugs.com/bisoprolol.html

  • https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a693024.html

  • https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/bisoprolol-oral-route/side-effects/drg-20071022?p=1

  • https://reference.medscape.com/drug/monocor-zebeta-bisoprolol-342367